Thời sự

Giảm lãi suất không có nhiều tác động khi hoạt động sản xuất yếu, người dân và doanh nghiệp đều không dám đi vay

Chứng khoán ACBS vừa đưa ra nhận định về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành có tác động như nào đến nền kinh tế.

Theo các chuyên gia tại đây, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

"Sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Vì vậy, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng", ACBS cho hay.

Ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, theo ACBS, Việt Nam có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đó. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. 

 

 

Bên cạnh đó, gần đây Chính phủ đã can thiệp để hỗ trợ kích thích tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách khác như Nghị định 12/2023/N-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và phí thuê đất trong năm 2023 và đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% cho tất cả các hàng hóa và dịch vụ.

Những chính sách này kỳ vọng sẽ giúp bù đắp cho sự suy giảm tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giải phóng dòng vốn.   

Đề cập đến khó khăn về thị trường xuất khẩu, trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 23/5,  PGS Trần Hoàng Ngân - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, Thư ký Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết với doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, thị trường nước ngoài đang rất bấp bênh khi kinh tế thế giới trên đà suy giảm, các doanh nghiệp cần tính đến thị trường trong nước với 100 triệu dân.

Trên thế giới, những quốc gia có dân số từ vài chục triệu người đến trên 100 triệu dân, thường phải kiểm soát độ mở kinh tế một cách vừa phải. Trong khi đó, Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu dân, nhưng độ mở của nền kinh tế lên tới 200%, gấp đôi GDP. Ông đánh giá đây là một yếu tố nguy hiểm và rủi ro.

Ông cho rằng thế giới bên ngoài có nhiều yếu tố bất định. Độ mở lớn sẽ khiến chúng ta phải chao đảo với biến động thế giới. Cần đặt ra bài toán nghiêm túc để kiểm soát độ mở nếu muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.    

Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần quan tâm đến gói hỗ trợ an sinh xã hội. Gói này vừa giúp giảm khó khăn cho những người lao động bị cắt giảm việc làm, hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách. Hơn nữa, gói sẽ giúp kích cầu, tăng tổng cầu cho nền kinh tế.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm