Bất động sản

Giá bất động sản phi mã: "Không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà"

Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Sao không tháo gỡ cho nhà ở xã hội?

Thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua tình hình bất động sản diễn biến phức tạp. Một số trường hợp xây dựng nhưng bị sai phạm mà chưa có cơ chế để tháo gỡ làm lãng phí nguồn lực xã hội, đất nước.

“Mặc dù không phải ngân sách của nhà nước, nhưng doanh nghiệp cũng là nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp họ cũng phải đi vay ngân hàng , doanh nghiệp chết kéo theo ngân hàng cũng chết”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói và cho rằng đây là vấn đề quan trọng và cần thiết để ban hành dự thảo nghị quyết này.

Giá bất động sản phi mã: 'Không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) bày tỏ băn khoăn về sự đồng bộ hệ thống pháp luật nếu dự thảo nghị quyết trên được Quốc hội thông qua.

Theo ông Long, Quốc hội đã kỳ công ban hành pháp luật đất đai , bất động sản và các nghị định, quy định có liên quan. Tuy nhiên, nếu dự thảo nghị quyết thí điểm được ban hành sẽ hình thành ra 2 mặt bằng pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản.

Ông Long nêu băn khoăn, trăn trở của cử tri về giá bất động sản phi mã khiến lao động, công chức “không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà”.

“Cử tri đặt câu hỏi tại sao không có cơ chế gì để thí điểm, tháo gỡ cho các vướng mắc của nhà ở xã hội, trong khi đó dự thảo Nghị quyết chỉ hướng tới nhà ở thương mại”, đại biểu đoàn Đồng Nai nêu.

Tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở thương mại

Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, bản chất của dự thảo nghị quyết là để bổ sung một phương thức tiếp cận đất đai trong thực hiện các dự án nhà ở thương mại.

Giá bất động sản phi mã: 'Không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà'- Ảnh 2.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy giải trình ý kiến đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý.

Cụ thể, Luật Đất đai 2024 quy định các dự án nhà nước thu hồi đất để thực hiện đấu giá, đấu thầu phải là các dự án đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở. Theo pháp luật về đô thị, các dự án có quy mô diện tích nhỏ hơn 20 ha và không bảo đảm yếu tố đô thị đồng bộ thì nhà nước không thực hiện thu hồi đất.

“Vì không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất và cũng không thuộc trường hợp nhà nước cho phép nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến nhiều khó khăn cho các địa phương, nhất là ở các địa phương nhỏ, thị trường bất động sản quy mô không lớn, không có nhiều dự án quy mô đô thị lớn hơn 20 ha”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu.

Về phạm vi điều chỉnh, do vướng mắc xảy ra trên phạm vi cả nước nên ông Duy cho rằng, cần cho thực hiện trên phạm vi toàn quốc để bảo đảm công bằng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm