Ngày 2/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % lần thứ 4 liên tiếp. Động thái này không nằm ngoài dự báo của thị trường, tuy nhiên theo các chuyên gia, dù đã được dự báo và chuẩn bị từ trước nhưng không vì thế mà lơ là, chủ quan trên "mặt trận" tỷ giá.
Cũng giống như những lần tăng lãi suất trước, việc Fed tiếp tục nâng lãi suất khiến đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Theo báo cáo từ CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), biến động mạnh của tỷ giá trong một thời gian ngắn đã tạo ra tâm lý găm giữ đồng USD, với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tại và áp lực bên ngoài chưa chấm dứt, VDSC không loại trừ khả năng tiền đồng có thể mất giá 10%-15% trong năm 2022.
Phân tích về tỷ giá, VDSC cho rằng, từ đầu tháng 10/2022 đến nay, tiền đồng đã mất giá 4,1% so với cuối tháng 9, gần xấp xỉ mức mất giá của tiền đồng trong suốt 9 tháng đầu năm. Tỷ giá liên ngân hàng biến động tăng mạnh song hành với việc NHNN liên tục nâng tỷ giá trung tâm, nới biên độ tỷ giá và tăng giá bán USD cho các NHTM.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã mất giá xấp xỉ 8,8% trên thị trường chính thức, diễn biến đang có xu hướng rơi vào kịch bản xấu mà VDSC kỳ vọng là mức mất giá 10% cho cả năm 2022.
Báo cáo từ công ty chứng khoán này cũng chỉ ra rằng, trong tháng 10, NHNN bán ra chưa đến 1 tỷ USD, cho thấy bộ đệm dự trữ ngoại hối đã yếu đi đáng kể.
Đồng thời, dù cán cân thương mại thặng dư nhẹ nhưng triển vọng xuất khẩu kém khả quan khiến cho cán cân thanh toán không đủ sức để cân bằng áp lực đối với nhu cầu USD trong nước.
Đối diện với "kẻ địch mạnh", cần giữ chắc "phòng tuyến sông Cầu"
Từng cảnh báo cần lập “phòng tuyến sông Cầu” cho tỷ giá VND/USD để chặn lạm phát, TS. Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia vẫn giữ nguyên quan điểm tỷ giá là "kẻ địch” mạnh, muốn tấn công phải lập phòng tuyến phòng ngự.
Ông Phước cũng nhấn mạnh rằng, kiềm chế lạm phát chúng ta đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất thầm lặng chính sách tỷ giá của NHNN, cùng với ổn định tỷ giá góp phần ngăn ngừa sự lan rộng của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam.
Chia sẻ trên Vietnamnet, ông Phước cho rằng, với Việt Nam, “phòng tuyến” tỷ giá là một phương tiện để giúp chống lạm phát nhưng bản thân phòng tuyến cũng chính là mục tiêu. Khi Fed đã và sẽ còn tăng lãi suất USD, hút tiền từ khắp nơi về Mỹ thì cần linh hoạt tháo gỡ chính sách chống đô la hóa.
Cách đây gần 30 năm, nền kinh tế đứng trước mối lo về đô la hoá, Việt Nam cũng đưa ra Đề án nhằm hạn chế hiện tượng đô la hoá. Quy định tiền gửi bằng ngoại tệ trên hệ thống ngân hàng có lãi suất bằng 0% vào năm 2015 là một trong những chính sách cho mục tiêu này.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay, tình thế đã thay đổi rất nhanh, đặc biệt khi Fed tăng lãi suất đồng đô la Mỹ, khơi bùng dòng đô la quay lại Mỹ thì cần xem xét lại quan điểm hạn chế đô la hoá ở mức độ nào là phù hợp.
Vị chuyên gia này đề xuất, cần điều chỉnh lãi suất với USD để hút nguồn ngoại tệ từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Khi ngân hàng thương mại huy động được lượng ngoại tệ qua mức lãi suất phù hợp họ mới cân đối giữa nguồn huy động và cho vay.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại vẫn có thể cam kết với doanh nghiệp gửi USD khi muốn lấy USD sẽ được ngân hàng bán cho theo tỷ giá đã được định trước.
"Nghĩa là phát ra tín hiệu xu hướng của tỷ giá hối đoái để người ta có thể dự báo được. Điều này giúp tạo lập niềm tin vững chắc cho người dân và doanh nghiệp", TS. Phước giải thích.
Chính sách tài khoá cần "chia lửa" với chính sách tiền tệ
Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Nguyễn Minh Cường thì cho rằng chính sách tài khoá cần chung sức, chung vai nhiều hơn với chính sách tiền tệ. Hiện sức ép lên hệ thống ngân hàng rất lớn, trong khi nhiều nguồn lực chưa được khơi thông như chính sách tài khoá và giải ngân đầu tư công của Việt Nam còn dư địa rất nhiều.
Hiện sức ép lên hệ thống ngân hàng rất lớn, trong khi nhiều nguồn lực chưa được khơi thông như chính sách tài khoá và giải ngân đầu tư công của Việt Nam còn dư địa rất nhiều.
Chỉ vì chưa có cơ chế thực hiện hiệu quả mà không phát huy được tác dụng của các chính sách tài khóa, từ đó dẫn đến áp lực dồn hết lên chính sách tiền tệ, tạo ra sự không lành mạnh trong hệ thống tài chính và rủi ro về chính sách.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế (CIEM), cũng cho rằng, kiểm soát lạm phát cần đặt trong mối tương quan với các yếu tố khác chứ không chỉ đánh giá riêng lẻ lạm phát, hoặc thắt chặt tiền tệ quá mức.
Trong bối cảnh Fed tăng lãi suất, tỷ giá căng thẳng, áp lực tăng lãi suất để giữ sức mạnh cho đồng nội tệ Việt Nam là rất lớn, nhưng với thể trạng của nhiều doanh nghiệp như "mới vừa ốm dậy" sau dịch COVID-19 như hiện nay, nhu cầu nội địa rất yếu và doanh nghiệp đang khát vốn.
Chi phí tăng cao, lãi suất tăng, tỷ giá tăng rồi cuối cùng sẽ đẩy vào chi phí doanh nghiệp. Vì vậy, chính sách tài khóa giảm căng thẳng, “chia lửa” với chính sách tiền tệ, bớt thu thuế, giảm thu, giãn thu thuế phí để doanh nghiệp giảm chi phí.
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp Quốc hội chiều 28/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Fed tăng lãi suất khiến đồng USD tăng mạnh. Đồng nghĩa, hầu hết các đồng tiền nội tệ khác trên thế giới mất giá rất mạnh trong tương quan với đồng USD.
Trong đó, nhiều đồng tiền đã mất giá 10-30%. Đặc biệt, dự trữ ngoại hối của các nước đều suy giảm mạnh. Đến nay, dự trữ của các nước đã suy giảm đến 1.000 tỷ USD.
Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước phải chủ động cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn. Bởi nếu ổn định lãi suất thì không thể kiểm soát được thị trường ngoại hối . Trong khi đó, ổn định thị trường ngoại hối có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.