Twitter đã tuyên bố cấm mọi liên kết dẫn đến các dịch vụ truyền thông xã hội khác, đồng thời đình chỉ tất cả những tài khoản cố gắng hướng người dùng sang các nền tảng thay thế. Động thái trên là một trong những nỗ lực của Musk nhằm ngăn chặn việc người dùng tiếp cận các đối thủ cạnh tranh, song lại gây ra không ít hiểu nhầm về việc đánh giá tính hợp lệ của liên kết.
Theo chính sách mới được công bố, các liên kết dẫn đến nội dung trên Facebook và Instagram sẽ bị cấm hoàn toàn. Các liên kết dẫn đến các nền tảng mạng xã hội tương tự Twitter như Mastodon, Post hay Truth Social, bản sao Twitter được cựu Tổng thống Donald Trump hậu thuẫn cũng nằm trong diện bị giới hạn.
Động thái trên của Twitter báo hiệu sự thay đổi lớn nhằm hướng tới một môi trường khép kín khiến người dùng khó rời bỏ Twitter: “Cụ thể, chúng tôi sẽ xóa các tài khoản được tạo ra nhằm mục đích quảng bá cho các nền tảng xã hội, bao gồm Facebook, Instagram, Mastodon, Truth Social, Tribel, Nostr và Post,” tài khoản hỗ trợ của Twitter thông báo. Tuy nhiên, chính sách mới sẽ vẫn “cho phép quảng cáo/quảng cáo trả tiền cho bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội bị cấm nào”.
Vài giờ sau khi triển khai chính sách mới và hứng chịu nhiều chỉ trích, Musk đồng ý nới lỏng các quy tắc. Trong một cuộc trao đổi với Giám đốc điều hành Box Aaron Levie, người coi chính sách mới là "đáng buồn", Musk thừa nhận rằng việc một số người dùng muốn liên kết với Instagram để quảng bá doanh nghiệp là "hợp lý".
“Chính sách sẽ được điều chỉnh để đình chỉ các tài khoản có mục đích chính là quảng bá các đối thủ cạnh tranh, về cơ bản nằm trong quy tắc cấm spam,” Musk viết trên Twitter.
Tuy nhiên sau đó, việc nhiều người dùng vẫn lên tiếng phản đối dữ dội khiến Musk nổi hứng mở một cuộc thăm dò trên Twitter để hỏi liệu ông có nên “từ chức CEO Twitter”.
“Tôi có nên từ chức lãnh đạo Twitter không? Tôi sẽ làm đúng theo kết quả của cuộc thăm dò này”, Musk đăng tải và nói lời xin lỗi, đồng thời thông báo trong tương lai, ông sẽ tổ chức các cuộc bỏ phiếu trước khi ra quyết định.
Sau khoảng 10 giờ đồng hồ, bài đăng thăm dò đã có gần 5 triệu lượt vote, trong đó, có 57,8% đồng tình rằng Musk nên rời vị trí. Theo Forbes , đây là một trong những động thái “điên rồ” nhất mà Musk từng thực hiện bởi quá tự tin về sự ủng hộ xung quanh mình.
Cuộc thăm dò dự kiến kết thúc vào ngày 19/12, song chưa rõ thời điểm cụ thể Musk sẽ từ chức nếu kết quả cuộc thăm dò cho thấy ông nên làm như vậy.
Đáng chú ý, vắng mặt trong danh sách các nền tảng truyền thông xã hội bị cấm lần này của Twitter lại là TikTok - một trong những nền tảng truyền thông xã hội từng làm dấy lên nhiều lo ngại xoay quanh vấn đề an ninh quốc gia Mỹ. Điều này khiến cựu Giám đốc điều hành Jack Dorsey vô cùng bất ngờ: “Tại sao? Thật vô lý”.
Quyết định thay đổi chính sách được đưa ra sau khi một số người dùng Twitter ngỏ ý muốn chuyển sang các nền tảng truyền thông khác vào tuần trước, đồng thời phản ứng dữ dội trước việc Twitter đình chỉ các nhà báo đưa tin về Elon Musk.
“Họ đăng vị trí chính xác của tôi theo thời gian thực, cơ bản giống tọa độ ám sát. Điều này rõ ràng vi phạm trực tiếp các điều khoản của Twitter. Đình chỉ tài khoản 7 ngày vì tiết lộ thông tin cá nhân chưa được phép. Tạm xa Twitter cũng là điều tốt cho tâm hồn”, Musk viết.
Theo CNN, việc Twitter “đình chỉ tài khoản các phóng viên một cách tùy tiện và vô cớ, trong đó có nhà báo Donie O'Sullivan của CNN”, là điều đáng lo ngại, nhưng không có gì ngạc nhiên. Tổng biên tập Washington Post Sally Buzbee cũng bày tỏ quan ngại khi phóng viên của mình bị Twitter đình chỉ tài khoản vì cho rằng động thái này đã làm suy yếu cam kết của tỷ phú Musk về quyền tự do ngôn luận.
Trước đó, Musk muốn đảm bảo rằng Twitter luôn cởi mở với các ý tưởng tranh luận. Chỉ trích công khai theo đó được “chào đón” trên nền tảng.
“Tôi hy vọng rằng những người chỉ trích tôi nhiều nhất vẫn ở lại trên Twitter, bởi vì đó là ý nghĩa của tự do ngôn luận,” Musk nói. “Chính sách mới của Twitter là tự do ngôn luận, nhưng không phải là tự do tiếp cận. Các tweet tiêu cực/ghét bỏ sẽ được giảm thiểu tối đa và mất tính năng kiếm tiền, do đó, không có quảng cáo hoặc doanh thu nào khác cho Twitter.”
Được biết trong nhiều năm, Elon Musk đã sử dụng Twitter để khiêu khích, chống đối và chỉ trích qua lại với những người có tầm ảnh hưởng, giới chức và cơ quan quản lý. Động thái này giờ đây đã lên tới một tầm cao mới, khi Musk nhận thức được rằng mình sẽ chẳng bao giờ bị phạt. Cũng bởi, Twitter đã thuộc về Musk.
Người đàn ông giàu nhất thế giới này hiện có hơn 120 triệu người theo dõi trên Twitter, tức chỉ thua cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama 10 triệu tài khoản.
Theo: CNN, Bloomberg