Thương vụ gây nhiều tranh cãi của Elon Musk và Twitter khiến nhiều người tự đặt ra câu hỏi vì sao CEO Tesla lại muốn mua công ty này. Bỏ qua những vấn đề gây tranh cãi, chúng ta có thể học được nhiều thứ từ, cả tốt và xấu, từ những công ty do Elon Musk điều hành. Vậy, thực sự chiến lược của Elon Musk là gì?
Chiến lược của Musk có thể được đặc trưng bởi các chủ đề chung trên ba lĩnh vực: Điều gì phù hợp với tầm nhìn của ông về các vấn đề cần giải quyết, cách ông thiết lập một tổ chức như một giải pháp cho những vấn đề đó và tại sao ông có thể huy động hiệu quả các nguồn lực cho các giải pháp đó, theo Harvard Business Review.
Tầm nhìn
Các chiến lược hiệu quả nhất thường có một đặc điểm chung: Chúng được xây dựng từ một tầm nhìn táo bạo và rõ ràng để mang lại một vị thế nhất định cho doanh nghiệp trong tương lai.
Năm 1980, Bill Gates đã nêu rõ một tầm nhìn rõ ràng, táo bạo về “một chiếc máy tính trên mọi bàn làm việc và trong mọi ngôi nhà”. Mỗi công ty được Musk điều hành cũng có tầm nhìn tương tự.
Tất cả doanh nghiệp này đều có ý thức riêng về sự táo bạo và rõ ràng đó: Tesla muốn “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của thế giới sang năng lượng bền vững”; SpaceX “đưa con người ra ngoài vũ trụ, biến cả thiên hà trở thành một hành tinh”. Tuy nhiên, để thực sự hiểu về Musk, chúng ta cần hiểu rõ về tầm nhìn tổng thể bao trùm tất cả doanh nghiệp mà ông đang điều hành.
Trong khi chúng ta thường nghĩ về một tầm nhìn là theo đuổi một loại giải pháp cụ thể, Musk dường như có một cách tiếp cận khác. Ông theo đuổi một loại vấn đề cụ thể. Ví dụ, Musk dường như bị thu hút bởi các vấn đề liên quan đến việc điều hướng quy mô và vượt qua sự phức tạp.
Điều hướng quy mô có nghĩa là chọn những vấn đề chỉ có thể được giải quyết thông qua cam kết đầu tư chi phí cố định lớn. Hãy xem xét "gigafactories" khổng lồ của Tesla. Ý tưởng đằng sau những nhà máy này là sản xuất hàng loạt xe điện với chi phí phù hợp cho một thị trường quy mô lớn. Giga Texas, Tesla Gigafactory thứ 5, là nhà máy lớn nhất thế giới tính theo diện tích sàn.
Tầm nhìn dành riêng cho các vấn đề quy mô lớn và phức tạp này mang lại một số lợi thế. Mặc dù việc giải quyết các vấn đề quy mô lớn là khó khăn hơn, nhưng hiệu suất và chi phí có thể giảm theo dự đoán khi tăng khối lượng sản xuất và xây dựng các đơn vị theo thời gian.
Musk là người có niềm tin vào giả định rằng việc giải quyết các vấn đề có quy mô lớn sẽ đem lại hiệu quả cao. Chẳng hạn, Musk muốn cắt giảm một nửa chi phí sản xuất pin bằng cách tự mình tăng cường năng lực sản xuất pin một cách ồ ạt, dựa vào quy mô kinh tế công nghệ từ các phương pháp sản xuất được cải tiến.
Tuy nhiên, một tầm nhìn dựa trên việc giải quyết các vấn đề phức tạp ở quy mô lớn cũng có những mặt hại. Hầu hết mọi người đều khá tệ trong việc đưa ra các dự đoán chính xác. Kết quả là các doanh nhân luôn đấu tranh để thiết lập các mốc thời gian thực tế, đặc biệt là trong các dự án phức tạp.
Musk cũng không phải ngoại lệ. Starlink, một công ty internet vệ tinh do SpaceX điều hành, vẫn còn kém xa so với những dự đoán năm 2015 của Musk về vị trí của công ty trong một thập kỷ sau đó. Tính đến tháng 3, Starlink chỉ đạt được 1% mục tiêu doanh thu cho năm 2025.
Tổ chức
Đặc điểm nhất quán và dễ nhận biết nhất trong chiến lược của Musk là cách ông tổ chức các công việc kinh doanh. Cụ thể, ông tham gia vào chiến lược tích hợp theo chiều dọc và công nghệ khép kín.
Một công ty liên kết theo chiều dọc trực tiếp sở hữu và vận hành các giai đoạn khác nhau của chuỗi giá trị kinh doanh. SpaceX tự sản xuất khoảng 70% tên lửa Falcon 9. Trong khi đó, United Launch Alliance, tổ chức phóng tàu vũ trụ của NASA, chỉ cung cấp các hoạt động tích hợp và phóng hệ thống, dựa vào 1.200 nhà thầu phụ cho tất cả các hoạt động khác.
Tesla có tham vọng tích hợp ngược vào lĩnh vực khai thác lithium. Ngược lại, các OEM ô tô truyền thống dựa vào các bên thứ ba trên thị trường để cung cấp các thành phần quan trọng.
Một công ty có chiến lược công nghệ khép kín xây dựng công nghệ độc quyền không thể tương tác với các công ty khác. Các vệ tinh Starlink của SpaceX sử dụng công nghệ độc quyền cao khiến chúng không thể hoạt động hiệu quả với các đĩa vệ tinh khác. Mạng lưới sạc của Tesla ở Mỹ không thể tương thích với các phương tiện của các nhà sản xuất khác.
Ngược lại, một chiến lược mở tìm cách thiết lập một tiêu chuẩn cho hệ sinh thái bằng cách có thể tương tác với các công ty khác. Gần như tất cả công ty công nghệ lớn nhất trên thế giới đều dựa vào chiến lược mở. Ví dụ, Google đang hợp tác với HP, Acer và Intel để khởi chạy hỗ trợ ghép nối nhanh giữa điện thoại Android và PC chạy Windows. Lợi thế của chiến lược mở là tiềm năng tạo ra giá trị có thể dẫn đến lợi nhuận ngày càng tăng và dễ chiếm được thị phần.
Nguồn lực
Cách duy nhất để theo đuổi các vấn đề quy mô lớn, độ phức tạp cao với thiết kế tổ chức tích hợp và khép kín theo chiều dọc là có nguồn lực vững chắc. Elon Musk là một trong số ít người có khả năng tiếp cận điều này. Với 8 công ty của mình, Elon Musk đã huy động được hơn 34 tỷ USD. Thậm chí, startup Neuralink còn huy động được số vốn nhiều gấp ba lần gã khổng lồ Amazon.
Mối quan hệ giữa Musk và các nhà đầu tư là yếu tố cốt lõi thúc đẩy chiến lược của ông. Đây cũng là thứ không dễ để tạo lập. Đa số nhà phân tích tại Phố Wall phải vật lộn để hợp lý hóa cách thức hoạt động của mối quan hệ này. Ngoài ra, khi thị trường đi xuống, phần lớn CEO đều không thể có được nguồn lực như những gì mà CEO Tesla sở hữu. Tất nhiên, để làm được điều này, phải thừa nhận rằng Elon Musk là một “bậc thầy” trong khả năng thuyết phục mọi người.