Chị H.T (Hà Nội) - đầu mối chuyên nhận hàng xách tay về Việt Nam cho biết, đồng EUR mất giá là cơ hội cho các hãng nhập khẩu triển khai nhiều chương trình tốt với khách hàng. Cơ sở kinh doanh của chị và nhiều đơn vị khác đều đang tranh thủ nhập khẩu lượng lớn sản phẩm bán chạy từ châu Âu.
"Đa phần những người mua buôn đang muốn tận dụng sự mất giá của đồng tiền để nhập lượng hàng lớn với giá rẻ, sau bán ra sẽ ăn chênh lợi nhuận cao hơn" - chị nói. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng nhỏ lẻ trước đây thường có thói quen mua hàng Mỹ, Anh giờ đây cũng có xu hướng chuyển sang lựa chọn mua hàng Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Họ tận dụng việc tỷ giá EUR/VND thời gian qua giảm mạnh dẫn tới giá hàng châu Âu về Việt Nam rẻ hơn hàng Mỹ và hàng nhập khẩu trong nước.
Một đầu mối chuyên nhập hàng hiệu về nước để bán ở Tp. Hồ Chí Minh, chị B.T.N, trong khi đó cho biết: "Nhập hàng thời điểm này vừa có lợi về giá, vừa chủ động nguồn hàng trong thời gian tới. Bản thân tôi cũng đã chủ động nhập thêm 20% lượng hàng so với bình quân các tháng trước. Tôi nghĩ không sớm thì muộn, giá bán lẻ hàng hiệu sẽ được các hãng điều chỉnh tăng để cân bằng quyền lợi cho các đại lý chính hãng ở nhiều nước ngoài châu Âu".
Những người thích tự săn hàng hiệu từ nước ngoài cũng tranh thủ dịp tỷ giá đồng EUR xuống thấp để mua sắm. Chị K.V chia sẻ: "Mình thường mua quần áo và túi xách, và dịp này mua của các nước châu Âu thì rẻ hơn. Nếu canh mua giá sale của hãng thì giá có thể rẻ hơn 40-50% so với hàng nhập sẵn được bán trong nước".
Trường hợp khác là chị M.N (Hà Nội) cho biết vừa chuyển khoản đặt mua một chiếc túi xách Louis Vuitton tại website tại châu Âu có giá là 2.100 EUR (xấp xỉ 50,5 triệu VND). Cùng chiếc túi đó nhưng website bên Mỹ thì lại được niêm yết với giá 2.810$ (tương đương với khoảng 65,8 triệu VND). Thấy sự chênh giá này, chị N đã nhờ người quen mua xách tay từ Pháp. "Ngoài giá sản phẩm, tôi phải chịu thêm phí vận chuyển, nhưng dù vậy vẫn rẻ hơn hàng nhập khẩu trong nước và hàng order bên Mỹ" – chị N cho hay.
Có quan điểm ngược lại với những ý kiến trên, chị N.Hiền – một đầu mối săn hàng hiệu khác ở Hà Nội cho biết, về nguyên tắc khi USD hay EUR giảm giá thì mọi người sẽ gom hàng nhiều hơn, nhưng còn tùy hoàn cảnh. Với hoàn cảnh như hiện tại, với bão giá cả, sức mua giảm đáng kể bởi lạm phát và hậu Covid thì sức mua đã bị giảm đi đáng kể. "Người tiêu dùng họ cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc chi tiêu, đặc biệt là với những mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu nên ôm hàng để bán cũng không đơn giản".
Diễn biến tỷ giá EUR/VND một năm qua
Nguồn: Tradingview
Trong thời gian qua, đồng EUR liên tục bị giảm giá so với VND và cả USD. Tính đến thời điểm hiện tại, đồng tiền chung châu Âu đã mất giá gần 8%, đang ở mức 24.679 VND/EUR (theo tỷ giá niêm yết tại Vietcombank). Còn nếu so với đồng USD thì đồng EUR đã bị sụt giảm hơn 10% giá trị, thậm chí trong phiên giao dịch ngày 11/7 đồng bạc xanh chỉ còn cách chưa đầy 1 cent nữa là ngang giá với 1 euro.
Nguyên nhân đồng EUR mất giá so với USD chủ yếu là do ảnh hưởng từ triển vọng ảm đạm bao trùm nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và khả năng Nga sẽ ngừng cấp khí đốt cho khu vực này. Trong khi đó, đồng VND vẫn neo theo USD dẫn tới đồng EUR cũng bị mất giá đáng kể so với tiền Việt trong thời gian này.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lại mạnh tay tăng lãi suất, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc lên cao hơn khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn so với các nhà đầu tư đồng euro. FED đã điều chỉnh tăng lãi suất 3 lần trong năm nay và rất có thể sẽ có lần tăng nữa như một phần trong chiến lược kiểm soát lạm phát.
Nếu nhìn từ góc độ khác, đồng EUR mất giá sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của nên kinh tế toàn cầu. Đồng euro mất giá đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ cần nhiều EUR hơn để thanh toán cho cùng một lượng hàng hóa tương đương được niêm yết bằng các đồng tiền khác, từ đó khiến lạm phát thêm trầm trọng, giảm sức mua của các hộ gia đình ở các nước EU. Nguy cơ suy thoái kinh tế trong những tháng tới sẽ tăng cao, có khả năng đẩy khối này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài.