Kỹ năng sống

Đôi bạn cùng tiến trên con đường TIÊU TIỀN: Mỗi người chi gần trăm triệu đồng mua hàng trên sàn TMĐT, lương càng tăng tiêu càng nhiều

Cách đây vài năm, những ngày cuối tuần lý tưởng là ra dạo quanh phố phường, la cà quán cà phê, mua sắm cùng hội bạn thân. Tuy nhiên, từ khi các trang thương mại điện tử (TMĐT) "mọc lên như nấm", thói quen chi tiêu của giới trẻ đã có những sự dịch chuyển nhất định.

Thay vì đi ngắm nghía quần áo, người trẻ thích thức đến 12h đêm để săn sale. Hiếm khi đi ra cửa hàng điện tử để thử món này món kia, kể cả những món đồ như nồi chiên không dầu, điện thoại hay kể cả máy tính cũng được các anh shipper giao hàng tận tay.

Mua sắm online hay các trang TMĐT đã khiến cho trải nghiệm mua sắm của khách hàng trở nên dễ chịu hơn, tiết kiệm và tiện lợi hơn bao giờ hết. Hơn thế nữa, nó cũng mang đến cảm giác rằng chúng ta đang tiết kiệm tiền khi có thể sử dụng các mã giảm giá trở thành "chiến thần săn sale", "bà hoàng voucher". Tuy nhiên, những sự dịch chuyển đó hẳn đang đứng về phía khách hàng, hay nó đang khiến chúng ta trở nên phụ thuộc vào các trang TMĐT và thói quen chi tiêu tệ đi?

Đôi bạn cùng tiến trên con đường TIÊU TIỀN: Mỗi người chi gần trăm triệu đồng mua hàng trên sàn TMĐT, lương càng tăng tiêu càng nhiều - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Đôi bạn cùng tiến, chi cả trăm triệu cho sàn thương mại điện tử

Hạ Nhi và Ngọc Linh, sinh năm 1999, là đôi bạn thân học cùng cấp 3 và đại học. Đôi bạn này không chỉ cùng tiến trong học hành mà ngay cả trong câu chuyện mua sắm.

Hạ Nhi cho biết, "Từ năm 2 đại học, mình bắt đầu sử dụng các trang TMĐT. Hồi mới ra đại học vẫn là ‘manh chiếu mới' nên thích đi mua đồ như một cách xả stress. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, lên năm 2 lười tiếp xúc với mọi người nên quyết định chỉ mua đồ online. Dịch bệnh ập đến nữa, có khi thịt cá cũng mua luôn qua sàn TMĐT.",

So với Hạ Nhi, Ngọc Linh biết đến sàn thương mại điện tử từ năm nhất đại học. "Hồi đó, chị gái bán đồ trên đó nên được khai sáng. Nhưng hồi đó không dùng nhiều lắm". Sau đó, cũng giống người bạn thân của mình, Ngọc Linh đã gia nhập "người chơi hệ sàn TMĐT", tháng nào cũng có 1 ngày thức đến 12h để săn sale.

Dù cho đến bây giờ, biết đến sàn TMĐT 4,5 năm nhưng 2 cô bạn cũng đã kịp chi tiêu cả trăm triệu ở đây. Với Hạ Nhi, lần kiểm tra cuối cùng trên sàn là 339 đơn hàng, giá trị khoảng 79 triệu. Mà đâu chỉ 1 sàn, những sàn khác tuy ít hơn nhưng cũng tầm 15 triệu. Với Ngọc Linh con số sương sương đã cỡ 85 triệu rồi.

Đôi bạn cùng tiến trên con đường TIÊU TIỀN: Mỗi người chi gần trăm triệu đồng mua hàng trên sàn TMĐT, lương càng tăng tiêu càng nhiều - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Thu nhập tăng, chất lượng cuộc sống cải thiện, nhu cầu mua sắm cao hơn

"Từ hồi mua sắm online thì chi tiêu nhiều hơn hẳn do quá tiện đi. Hồi trước khi các trang TMĐT còn kích cầu, có rất nhiều mã giảm giá trên sản phẩm và vận chuyển miễn phí, do đó cũng mua nhiều hơn hẳn. Bên cạnh đó, cũng có thể tính đến chất lượng cuộc sống ngày càng tăng nên nhu cầu mua sắm nhiều hơn. Nhưng thực tế là mua sắm online tăng song đi la cà shopping cũng không thiếu. Do vậy mình cảm giác như đang chi tiêu gấp đôi", Ngọc Linh chia sẻ.

Tốt nghiệp ra trường được 1 năm, đôi bạn thân cũng có mức thu nhập khá cao ở độ tuổi 23, dao động khoảng 15-20 triệu. Bên cạnh đó, luôn chăm chút cho cuộc sống của mình, "chiều chuộng" bản thân, cho nên nhu cầu cuộc sống cũng tăng cao. Hai cô bạn đều cảm thấy việc chi tiêu cho các trang TMĐT để mua đồ lên cả trăm triệu một phần nào đó chính là cho những nhu cầu thiết yếu của bản thân.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng việc mua sắm online đã trở thành một thói quen thân thuộc trong giới trẻ một phần vì các chính sách của trang TMĐT.

Đôi bạn cùng tiến trên con đường TIÊU TIỀN: Mỗi người chi gần trăm triệu đồng mua hàng trên sàn TMĐT, lương càng tăng tiêu càng nhiều - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Cả một ngăn kéo mang tên "thất bại của việc mua sắm trên sàn TMĐT"

Tuy nhiên, không phải mua gì ở trên những trang này cũng là món hời. Cô bạn Ngọc Linh chia sẻ: "Mua đồ không dùng chủ yếu là quần áo. Mình còn có hẳn 1 ngăn kéo tủ mang tên thất bại của việc mua sắm trên sàn TMĐT". Cũng giống bạn thân của mình, Hạ Nhi chia sẻ rằng món đồ dễ mua thất bại nhưng cũng được chi nhiều nhất chính là quần áo.

Ngoài ra, việc lướt các trang TMĐT cũng khiến chúng ta muốn mua sắm nhiều hơn. "Có hôm buồn chán, lướt lên lướt xuống thế nào va phải mã giảm giá, thấy sản phẩm hay hay vậy là mua thử sử dụng thôi. Và số tiền mình bỏ ra để coi xem những món đồ mới xem có phù hợp với bản thân không, hay những vật phẩm nhìn hay hay muốn mua thử chắc cũng phải hơn chục triệu rồi. Hên thì như gặp phải chân ái cuộc đời nhưng 80% là không dùng được". Hạ Nhi kể về những lần mua sắm không muốn nhớ đến của bản thân.

"Thỉnh thoảng thấy các anh chị KOL chia sẻ deal có vẻ hời thì cũng mua dù không thực sự cần lắm. Hoặc có những món đồ nếu không có deal sẽ chẳng bao giờ cân nhắc mua". Cũng giống như Hạ Nhi, Ngọc Linh cũng bị mã giảm giá "cám dỗ".

Mua quá nhiều đồ trên các trang TMĐT đến mức quên mất luôn rằng mình từng có thói quen đi mua sắm ở cửa hàng chính là suy nghĩ của đôi bạn thân này. Tất nhiên, chuyện gì cũng có mặt này mặt kia. Các sàn TMĐT rất tiện lợi, nhất là đôi khi các cửa hàng online sẽ có chính sách kích cầu, vì vậy thật ra sẽ có đôi lúc đúng là gặp được món hời. Tuy nhiên, nhược điểm mà 2 cô bạn đều nhận thấy chính là rất tốn tiền và có vô số món đồ không dùng đến.

Đôi bạn cùng tiến trên con đường TIÊU TIỀN: Mỗi người chi gần trăm triệu đồng mua hàng trên sàn TMĐT, lương càng tăng tiêu càng nhiều - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Đôi lúc vì KOL và các sản TMĐT liên tục quảng bá về mức độ cần thiết của một sản phẩm, chính vì vậy dù chẳng có nhu cầu, chúng ta vẫn cảm thấy mình cần nó. Đúng là một phần do ai mà chẳng muốn cải thiện chất lượng cuộc sống, tuy nhiên một phần vì sự hào nhoáng từ KOL nên mình bị nhầm tưởng giữa nhu cầu và mong muốn của bản thân. Từ đó dẫn đến những pha chi tiêu trời ơi đất hỡi chỉ muốn quên đi và xin tiền lại.

Không còn lạ khi đến ngày toàn sàn TMĐT sale, sẽ có các bài post chục đơn hàng đang chờ, hay anh shipper đứng đợi giao hàng. Do vậy, những bạn trẻ không sử dụng, không mua đồ sẽ trở nên lạc lõng giữa một đám đông ai ai cũng đang mua sắm online .

"Trang TMĐT không tệ, chỉ là cách mình dùng nó đang bị đi lệch đi so với nhu cầu thật sự của bản thân", Ngọc Nhi chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm