Doanh nghiệp

Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì trước bài toán sụt giảm đơn hàng và rủi ro thanh toán?

Một số hiệp hội cho biết, đơn đặt hàng xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ giảm trong quý 4/2022. Thực tế, đơn hàng giảm đã xảy ra liên tục từ tháng 8 đến nay. Riêng nhóm ngành công nghiệp chủ chốt như dệt may và gỗ thậm chí được dự báo sẽ giảm cho đến năm sau.

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng sản xuất Việt Nam (PMI) tháng 10/2022 do S&P Global công bố cũng cho thấy thực trạng không mấy sáng sủa về ngành sản xuất xuất khẩu, ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới thấp nhất trong hơn một năm.

Nguyên nhân được biết do sức mua ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu sụt giảm trước bối cảnh lạm phát cao, suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường lớn Trung Quốc chậm lại trước chính sách “Zero-Covid”, khối lượng hàng hóa tồn kho còn nhiều nên khách hàng chưa có nhu cầu đặt mua thêm… là tác nhân khác khiến nhu cầu sụt giảm mạnh ngay mùa cao điểm năm nay.

Không chỉ thách thức đơn hàng giảm, rủi ro thanh toán cũng là vấn đề cần quan tâm với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu hiện tại. Báo cáo mới nhất của Atradius thể hiện, tình trạng mất khả năng thanh toán dự tăng ở một số nền kinh tế lớn vào năm 2022 và 2023. Điều này là do triển vọng kinh tế yếu hơn với lạm phát cao, giá năng lượng tăng, chính sách thắt chặt tiền tệ và sự chấm dứt hỗ trợ từ chính phủ nhiều nước. Đối với nhiều thị trường, Atradius còn dự báo mức vỡ nợ trung bình sẽ vượt quá mức bình thường vào năm 2023.

Dự báo của Atradius về tỷ lệ vỡ nợ của các nước trong 2022 và 2023

Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì trước bài toán sụt giảm đơn hàng và rủi ro thanh toán? - Ảnh 1.

Như vậy, có thể có nhiều trở ngại hơn từ cuối năm 2022 sang năm 2023 do nhu cầu tiêu dùng yếu hơn, đặc biệt là từ khu vực đồng tiền chung châu Âu và Hoa Kỳ. Một rủi ro khác là suy thoái kinh tế đang diễn ra ở Trung Quốc, một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong khi các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần cân nhắc đánh giá lại tổng thể tình hình thị trường, khách hàng, sản phẩm, lợi thế cạnh tranh v.v. và đừng quên chủ động tìm kiếm các công cụ quản lý rủi ro phù hợp.

Mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ mang lại cơ hội kinh doanh cùng nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, nhưng điều quan trọng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải theo dõi những gì đang diễn ra bên ngoài thị trường Việt Nam và các thị trường xuất khẩu chính của mình. Một nhà cung cấp dịch vụ có thông tin toàn cầu sẽ giúp bạn định hướng doanh nghiệp và giảm thiểu một số rủi ro liên quan nói chung và rủi ro thanh toán nói riêng - bà Vũ Thị Đức Hạnh, Giám đốc Quốc gia của Atradius Việt Nam chia sẻ.

Atradius hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm tín dụng thương mại, bảo lãnh và cam kết thanh toán,và dịch vụ thông tin. Công ty đang có mặt tại hơn 160 văn phòng trên 50 quốc gia, tiếp cận tín dụng của hơn 260 triệu công ty toàn cầu.

Khảo sát mới nhất của đơn vị này cho thấy 51% các công ty chọn lựa giải pháp tự quản lý rủi ro khách hàng; 42% các công ty được hỏi thuê dịch vụ ngoài của một công ty bảo hiểm tín dụng hoặc mua các giải pháp tài chính thương mại cụ thể. Đây là một dấu hiệu tích cực trong bức tranh xám màu nói trên.

Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch và lo ngại về việc chuỗi cung ứng đang bị đe dọa gián đoạn, các doanh nghiệp ở Việt Nam đều kỳ vọng thực tiễn thanh toán của khách hàng B2B của họ sẽ được cải thiện trong 12 tháng tới. Trong đó, chỉ số niềm tin kinh doanh tại thị trường Việt Nam cho thấy một số lượng lớn đáng kể các công ty dự đoán sự gia tăng giao dịch bằng tín dụng, do các doanh nghiệp coi sự trung thành của khách hàng và tái giao thương với các khách hàng B2B hiện là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh của mình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm