Tại phiên thảo luận của Quốc hội ở hội trường về chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào chiều 20/11, nhiều đại biểu đã đề xuất để các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước tham gia vào dự án.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP HCM nêu rõ, chi phí xây lắp của dự án là khoảng 50%, tức vào khoảng 33 tỷ USD. Đại biểu đề nghị cần tập trung sử dụng nguyên vật liệu ở trong nước và cần huy động các doanh nghiệp trong nước có năng lực chuyên môn để tham gia vào dự án này.
Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Hà Đức Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cũng cho rằng có thể lựa chọn các tập đoàn, doanh nghiệp tầm cỡ trong nước có kinh nghiệm và năng lực để chỉ định thầu. Tuy nhiên, các tiêu chí chỉ định thầu cần phải thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt nhà thầu phải chứng minh được về năng lực, đảm bảo tốt hơn, rẻ hơn và nhanh hơn.
"Khi làm được điều này, không những chúng ta có thể yên tâm về tiến độ, chất lượng của dự án mà còn vô hình trung gây dựng những tập đoàn lớn mạnh của đất nước ngang tầm với thế giới, góp phần xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị của đất nước", ông Minh khẳng định.
Trên thực tế, việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp trong nước. Vậy các doanh nghiệp đang chuẩn bị như thế nào để có thể tham gia thi công dự án?
Các vấn đề về công nghệ
Tại tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt" được Báo Giao thông tổ chức ngày 19/11 vừa qua, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã có thể làm chủ việc thi công các cầu dây văng và các doanh nghiệp đã có chuyển biến lớn về công nghệ thi công theo quy trình mới.
Cũng tại toạ đàm, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đơn vị đã có những chuyến công tác nước ngoài từ Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu để học hỏi, trực tiếp tham gia theo dõi quá trình thi công, mời các đơn vị về Việt Nam tham gia vào các gói thầu mà công ty đang thực hiện, qua đó có những tư vấn, góp ý về các thức tổ chức quản lý với các dự án để đạt được kết quả tối ưu.
Đèo Cả cũng kết hợp với hai đơn vị đường sắt ở Trung Quốc để tham quan các dự án, tư vấn một số giải pháp về công nghệ đặc biệt là chuyển đổi số.
Trong khi đó, ông Hoàng Năng Khang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện nay, đơn vị đang tập trung tái cơ cấu, xây dựng mô hình quản lý để phù hợp với việc vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao.
“Chúng tôi đang làm việc với các doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài về tất cả những vấn đề liên quan tới công nghệ, nội địa hóa, chuyển giao công nghệ, liên doanh liên kết”, ông Khang nói.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo có 5 tổ liên quan để thực hiện như xây lắp hạ tầng, bảo trì, phát triển công nghiệp liên quan tới chuyển giao công nghệ, nội địa hóa các thành phần cấu thành nên đường sắt tốc độ cao, nhân lực.
Chuẩn bị nhân sự trong và ngoài nước
Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính cho biết, đơn vị này đã liên kết với trường Đại học Giao thông vận tải đào tạo riêng cán bộ công ty. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều đoàn công tác học tập dài ngày, nghiên cứu, đi đến tận nơi xem quy trình đúc dầm, bảo dưỡng, nhấc dầm ra khỏi bệ, lao lắp.
Còn Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, ông Nguyễn Quang Huy cho biết, tập đoàn đã chuẩn bị cả nhân sự trong nước và nước ngoài. Cụ thể, với nhân sự nước ngoài, Đèo Cả đã hợp tác với các đối tác quốc tế để tham quan, học hỏi, đào tạo, đồng thời đưa các chuyên gia về đào tạo cho chính nhân sự của mình.
Với nhân sự trong nước, tập đoàn đã phân tách rõ các bậc nhân sự. Trong đó, với kỹ sư, tập đoàn đã thành lập Viện nghiên cứu của Tập đoàn Đèo Cả để chuẩn bị nguồn nhân sự đến nay đã khai giảng hai khóa về đường sắt với 200 kỹ sư.
Với cấp về công nhân hiện trường, Đèo Cả đã thành lập các trung tâm huấn luyện thực hành ngay tại các dự án trải dài trên cả nước hiện nay, với mục tiêu là đào tạo nhân công phổ thông thực chiến ngay tại công trường.
Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, là một trong những doanh nghiệp đã chuẩn bị nhân lực để sẵn sàng tiến tới tiếp cận làm chủ công nghệ, đơn vị cũng đã chủ động hợp tác với các trung tâm đào đạo, cấp văn bằng, chứng chỉ cho kỹ sư đường sắt.
Đảm bảo cung cấp đủ thép cho đường ray
Theo Báo Đầu tư, mới đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát đã chia sẻ, ba năm gần đây, tập đoàn đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Do vậy, Hoà Phát tự tin việc sản xuất thép ray đường sắt cao tốc nằm trong khả năng.
“Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, dự án cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại. Hòa Phát là doanh nghiệp top 50 thế giới về sản xuất thép, chúng tôi tự tin cam kết đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao”, Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định.
Ngoài ra, tập đoàn cũng cam kết tất cả các chủng loại sắt thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu; đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án; đảm bảo giá cả cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu.
Trước đó, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày 21/9, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát cũng đã khẳng định doanh nghiệp sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.