48% doanh nghiệp được hỏi tại Việt Nam cho rằng thời gian trung bình để chuyển hóa đơn quá hạn thành tiền mặt (DSO) dài hơn trước, theo một báo cáo thường niên vừa công bố của Atradius. Atradius là đơn vị đứng thứ nhì toàn cầu về thị phần các dịch vụ bảo hiểm tín dụng, bảo lãnh và thu hộ.
Báo cáo cũng cho thấy, 48% tổng doanh số bán hàng B2B (giữa các doanh nghiệp với nhau) bằng hình thức trả chậm vẫn chưa được trả đúng hạn. Tổng doanh số bán hàng phải xóa nợ do không thể thu hồi được ghi nhận khoảng 6%. Với ngành thép và kim loại, con số này tới 9%. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh khoản của doanh nghiệp.
70% công ty được khảo sát tin rằng việc khách hàng B2B nợ tiền là do vấn đề thanh khoản, đặc biệt trong ngành dệt - may mặc và hàng tiêu dùng lâu bền. Theo Atradius, nguyên nhân là các ngành này hướng mạnh vào xuất khẩu và điều kiện kinh tế toàn cầu khó khăn đã làm suy yếu tình hình tài chính của các khách hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, hơn một nửa công ty cho rằng nguyên nhân đến từ việc quản trị quy trình thanh toán kém hiệu quả, dễ thấy trong ngành nông sản thực phẩm. Một phần tư số doanh nghiệp cho biết tình trạng trên còn do tranh chấp với khách hàng, nhất là ngành thép và kim loại. Ngoài ra còn xuất hiện việc cố ý chậm thanh toán vì nhiều lý do, đặc biệt trong ngành dệt - may mặc và hóa chất.
Nhiều doanh nghiệp cần các biện pháp để tránh bị vắt kiệt thanh khoản như sử dụng nguồn tài chính bên ngoài, thấu chi ngân hàng hoặc trì hoãn thanh toán cho các nhà cung cấp của chính họ. Tuy nhiên, chuyên gia Atradius cho rằng biện pháp trì hoãn thanh toán có thể gây ra "hiệu ứng gợn sóng" dọc theo chuỗi khi doanh nghiệp này không thanh toán cho một doanh nghiệp, kéo theo doanh nghiệp đấy cũng khó thanh toán cho doanh nghiệp khác và cứ thế lan rộng. Điều này có thể khiến những khách hàng có tín dụng tốt cũng bị ảnh hưởng, tạo nên cuộc khủng hoảng thanh khoản.
Chia sẻ với VnExpress, bà Vũ Thị Đức Hạnh - Giám đốc quốc gia Atradius tại Việt Nam, cho rằng việc nới rộng các điều khoản thanh toán và bán hàng trả chậm đang là một xu hướng mang tính tất yếu, khiến doanh nghiệp khó thể nào đứng ngoài câu chuyện trên.
"Thanh toán chậm đã là điều tồn tại từ xưa đến nay, vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp có chấp nhận hay không và nếu chấp nhận thì cần làm gì để bảo vệ bản thân", bà nhấn mạnh.
So với châu Á, tình hình nợ xấu B2B của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở mức trung bình. Trong bức tranh tương quan với các nước như Ấn Độ và Trung Quốc, tỷ lệ trên thấp hơn. Nhưng nếu so với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, tình trạng nợ xấu B2B tại Việt Nam lại có phần kém tích cực hơn.
Nửa cuối năm, tín dụng được dự đoán tập trung chảy về hoạt động sản xuất và kinh doanh. Bà Hạnh cho rằng nhờ thế, tình trạng nợ xấu B2B sẽ được cải thiện. Nếu sử dụng tốt và phù hợp với tình hình mỗi đơn vị, đây sẽ là nguồn lực giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để thanh toán.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, thay đổi trên sẽ không xuất hiện ngay mà cần nhiều thời gian để sức khỏe tài chính của doanh nghiệp dần được cải thiện. Trước mắt trong bối cảnh đầu vào nguyên vật liệu các ngành sản xuất gặp khó, giá cao, đòi hỏi dòng tiền doanh nghiệp vững, tình trạng DSO của doanh nghiệp Việt Nam xấu đi có thể để lại mối nguy lớn.
Theo bà Hạnh, DSO càng dài càng khiến doanh nghiệp không đủ tiền để mua nguyên vật liệu. Nếu thời gian nhà cung cấp cho nợ tiền ngắn hơn thời gian cho khách hàng nợ, doanh nghiệp dễ lâm vào tình trạng khánh kiệt về thanh khoản. Tình trạng này càng tệ đi dễ đưa doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.
Đây là lần đầu tiên Atradius công bố báo cáo về thực tiễn thanh toán cho thị trường Việt Nam. Hàng năm hãng bảo hiểm tín dụng này đều phát hành báo cáo dựa trên khảo sát của CSA Research (Mỹ) với 200 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, bán sỉ, bán lẻ - phân phối và dịch vụ tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.