Thị trường chứng khoán Việt Nam đã qua “mùa hoa đẹp nhất”, ngành chứng khoán chịu áp lực về kết quả kinh doanh khi giá trị danh mục tự doanh sụt giảm, thanh khoản thị trường xuống thấp kéo tụt doanh thu môi giới, nhu cầu margin của thị trường thấp.
Trong khi đó, việc siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu và vắng bóng các thương vụ IPO, niêm yết thoái vốn làm suy giảm doanh thu dịch vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành.
Kể từ quý II/2022, hiện tượng các công ty chứng khoán trở nên phổ biến hơn. Ghi nhận trong quý II, thị trường có 24 công ty chứng khoán báo lỗ trong đó có 7 đơn vị lỗ trên 100 tỷ đồng. Mức lỗ cao nhất là Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, mã: APS) với mức lỗ gần 442 tỷ đồng. Các công ty báo lỗ chủ yếu do đánh giá lại danh mục tự doanh.
Sang đến quý III, tình hình có sự cải thiện. Trong 70 công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý III, 15 đơn vi báo lỗ trước thuế. 12 công ty trong số đó ghi nhận mức lỗ trên 1 tỷ đồng.
Chứng khoán Everest (Mã: EVS) là công ty có mức lỗ lớn nhất trong ngành chứng khoán quý III với hơn 187 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty. Nguyên nhân là danh mục tự doanh của Chứng khoán Everest đánh giá lại khoản đầu tư vào cổ phiếu NVB.
Chứng khoán Everest nắm giữ gần 14,4 triệu cổ phiếu NVB với giá vốn 273,3 tỷ đồng. Thời điểm 30/6, lô cổ phiếu NVB này có giá trị trường 465,7 tỷ đồng, tương đương mức lãi 192,4 tỷ đồng. Tại ngày 30/9, khoản đầu tư này đang lỗ hơn 10 tỷ đồng.
Đứng thứ hai về mức lỗ là Chứng khoán Asean với hơn 60,6 tỷ đồng. Đây là quý thứ 2 công ty chứng khoán này báo lỗ. Quý trước đó công ty báo lỗ trước thuế gần 1,4 tỷ đồng. Tương tự như Everest, khoản đánh giá giảm danh mục FVTPL là gần 109 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9, danh mục tự doanh của Chứng khoán Asean có giá gốc hơn 351 tỷ đồng và giá trị trường gần 526 tỷ đồng. Công ty đang nắm giữ một số cổ phiếu như ABI, SGP, TSJ, VNC, VEC, HTM và TCB.
Cùng kỳ năm ngoái Chứng khoán Asean lãi trước thuế gần 125,7 tỷ đồng.
Tương tự Chứng khoán Asean, Chứng khoán APG có quỹ lỗ thứ hai với hơn 49 tỷ đồng. Mức lỗ trước thuế quý II là 105,8 tỷ đồng. Trong quý III, Chứng khoán APG ghi nhận lỗ bán danh mục FVTPL hơn 75,6 tỷ đồng, trong đó lỗ bán là 39,2 tỷ đồng và chênh lệch giảm đánh giá lại là 36,4 tỷ đồng. Tại ngày 30/9, danh mục tự doanh của công có giá trị thị trường gần 431 tỷ đồng.
Nhóm công ty chứng khoán báo lỗ quý này có Chứng khoán FPT (FPTS, mã: FTS) với mức lỗ trước thuế hơn 49 tỷ đồng. Khoản lỗ này chủ yếu đến do đánh giá lại khoản đầu tư vào cổ phiếu MSH khi giá giảm sâu so với thời điểm cuối quý II. Trong quý II, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 112 tỷ đồng, quý III/2021 là 332,5 tỷ đồng.
Tương tự, Chứng khoán Phú Hưng đảo chiều từ lãi trước thuế hơn 1,7 tỷ đồng trong quý II sang lỗ hơn 14 tỷ đồng trong quý III. Cùng kỳ năm ngoái công ty báo lãi trước thuế 47,6 tỷ đồng.
Chứng khoán Trí Việt (Mã: TVB) báo lỗ trước thuế 11,5 tỷ đồng, quý liền trước lãi 593 triệu đồng. Trong quý III/2021, Trí Việt ghi nhận lãi trước thuế 48,3 tỷ đồng.
Nhóm các công ty báo lỗ trên 1 tỷ đồng còn có Chứng khoán Beta, Chứng khoán Đại Việt, Chứng khoán Alpha, Chứng khoán SaigonBank Berjaya, Chứng khoán RHB Việt Nam và Chứng khoán EuroCapital.
Trong đó, Chứng khoán Beta, Chứng khoán Đại Việt và Chứng khoán RHB Việt Nam báo lỗ trong cả quý II và cùng kỳ năm ngoái.
Một số đơn vị khác trên thị trường chuyển từ lãi quý II sang lỗ nhẹ dưới 1 tỷ đồng như Chứng khoán Pinetree, Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia.