Sáng ngày 24/5, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) đã tiến hành tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 lần 2. Tính đến thời điểm 9 giờ, có 107 cổ đông và người được uỷ quyền tham dự, nắm giữ 102.041.216 cổ phần đại diện cho 40,46% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Báo cáo tại đại hội, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII, nhắc lại việc từ cuối năm 2021, lãnh đạo công ty đã quyết định dừng đầu tư dự án mới và tập trung đưa dự án dở dang về đích.
"Đến nay, CII không còn dự án dở dang và giai đoạn 2023-2024 sẽ quan sát biến động của thị trường để đưa ra quyết định có đầu tư mới hay không", ông Bình cho biết.
Bên cạnh đó, năm 2022, CII đã thông qua việc bán CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water - Mã: SII) nhưng đối tác gặp khó khăn tài chính nên sẽ thanh toán hết trong năm nay.
Ông cũng cho biết từ thời điểm kết thúc đại hội lần một, đến nay đã có một số công việc phát sinh. Thứ nhất, công ty đã nhận được quyết định tài trợ chính thức của gói 2.400 tỷ đồng. Còn gói 6.950 tỷ đồng kỳ vọng sẽ được phê duyệt, công bố vào tuần sau và tổ chức tài chính tài trợ cho các gói này nằm trong top ba trên thị trường tài chính Việt Nam.
Thứ hai, TP HCM đã thành lập một số tổ công tác thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng vào cuối tháng 4 và có kiểm tra dự án BT tại Thủ Thiêm của CII.
Tổ công tác đã đồng ý thay đổi biện pháp thi công hạ tầng, chuyển sang thi công cọc xuyên đất để giải quyết việc còn vướng vài hộ chưa di dời. Do đó, các dự án của CII sẽ bắt đầu trở lại sau hơn 4 năm dừng thi công.
Thứ ba, ban lãnh đạo đã phát hiện ra một dự án hạ tầng mang tính huyết mạch, đóng góp lớn cho sự phát triển của TP HCM. Nếu, CII thắng thầu thì đây sẽ là một "mỏ vàng".
Hiện nay, nhóm kỹ thuật và tài chính của CII đang xúc tiến nghiên cứu sâu dự án này, tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đi lùi
Năm nay, cổ đông CII đã thông qua kế hoạch doanh thu 5.155 tỷ đồng và lãi ròng 469 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 36% so với năm ngoái.
Trong đó, công ty dự kiến doanh thu thu phí giao thông đạt 1.950 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ nhờ việc hợp nhất dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ quý III.
CII cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu các dự án hạ tầng mới có tổng mức đầu tư từ 5.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng như dự án đường trên cao, các nút giao thông trong TP HCM, cầu Thủ Thiêm 4,...
Về lĩnh vực bất động sản, công ty dự kiến doanh thu khoảng 1.300 tỷ đồng. Công ty sẽ bàn giao phần còn lại của các dự án D'Verano (Thủ Thiêm Lake View 3), The River Thủ Thiêm và toà nhà 152 Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó tiếp tục giải phóng mặt bằng, thi công đối với các dự án Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) và De Lagi (Bình Thuận).
Ngoài ra, ông Lê Quốc Bình cho biết một nhiệm vụ quan trọng trong năm nay đó là giữ được hệ số tín nhiệm tín dụng tại các tổ chức tài chính.
Dự kiến trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ 15% và phát hành cổ phiếu thưởng
Cổ đông công ty cũng đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, tương ứng 1.500 đồng/cp. Như vậy với, hơn 252 triệu cổ phiếu đang lưu hành, CII dự kiến sẽ chi hơn 378 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2022.
Công ty cũng dự kiến duy trì tỷ lệ trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với cùng tỷ lệ 15%.
Chia sẻ thêm về vấn đề chi trả cổ tức, CEO cho biết trong thời gian qua, CII tập trung đưa các dự án về đích, do đó, khó khăn về dòng tiền. Tài sản công ty đã tăng cao nhưng thời gian qua công ty không tăng vốn cho thấy áp lực huy động vốn đặt lên vai lãnh đạo.
Công ty muốn chia cổ tức nhưng trả bằng tiền mặt lập tức thì được câu chuyện trước mắt nhưng hỏng câu chuyện lâu dài. Hiện, các dự án đã về đích nên đã giảm bớt áp lực dòng tiền. Về cổ phiếu thưởng, công ty sẽ cố gắng điều chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Bên cạnh đó, cổ đông cũng đã thông qua phương án phát hành hơn 35 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 14%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 14 cổ phiếu mới. Hiện nay, vốn điều lệ của CII là 2.840 tỷ đồng (tương ứng với hơn 252 triệu cổ phiếu đang lưu hành và gần 32 triệu cổ phiếu quỹ), nếu hoàn thành đợt phát hành này vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ tăng lên hơn 3.193 tỷ đồng.
Song song đó là tạm dừng phương án chuyển đổi đợt 5 của trái phiếu CII42013 (diễn ra ở ngày 3/5). CII cũng trình và được cổ đông thông qua phương án điều chỉnh giá chuyển đổi trái phiếu CII42013 kể từ đợt 6 xuống còn 10.000 đồng/cổ phiếu, do đó, điều khoản chống pha loãng thông qua tại nghị quyết 44 của ĐHĐCĐ tháng 6/2020 sẽ không được áp dụng từ thời điểm này.
Ông Bình cho biết, vì đại hội lần thứ nhất không thành công nên đã gây ra một số khó khăn trong việc xin ý kiến về các kế hoạch này.
Ngày 2/11/2020, CII đã phát hành 372.517 trái phiếu chuyển đổi CII4201 với mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu. Lãi suất trái phiếu là 11%/năm, trả lãi mỗi 6 tháng. Trái phiếu này được chào bán cho cổ đông hiện hữu với kỳ hạn 5 năm, đáo hạn ngày 2/11/2025.
Thời hạn chuyển đổi trái phiếu được chia thành 10 đợt, mỗi đợt cách nhau 6 tháng. Giá chuyển đổi cơ sở ban đầu là 21.494 đồng/cổ phần và giá chuyển đổi các kỳ tiếp theo tăng 6% so với kỳ trước.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ của CII cũng phê duyệt kế hoạch phát hành 2 gói trái phiếu tổng trị giá 4.500 tỷ đồng, đây là trái phiếu chuyển đổi để đảo nợ và đầu tư vào các đơn vị thành viên. Trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 10 năm (chia tương ứng thành 10 đợt chuyển đổi) và lãi suất năm đầu tiên là 10%/năm, các năm tiếp theo bằng lãi suất tham chiếu cộng 2,5%/năm.
Trái phiếu được phát hành cho cổ đông hiện hữu, trong đó gói 1 có tổng giá trị phát hành hơn 2.522 tỷ đồng với ty lệ thực hiện quyền mua là 10:1 và gói 2 tổng giá trị phát hành là gần 1.978 tỷ đồng với tỷ lệ thực hiện quyền mua là 20:1.
Thảo luận:
Doanh thu năm 2023 ngoài từ thu phí BOT thì hơn 3.000 tỷ đồng đến từ đâu?
Ông Lê Quốc Bình: Doanh thu năm 2023 sẽ có hơn 3.200 tỷ đồng từ thu phí BOT do hợp nhất dự án Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; khoảng 1.000 tỷ đồng từ bất động sản và còn lại là từ xây dựng hạ tầng với ngành nước.
Ở dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, CII làm một mình hay hợp tác với ai?
Ông Bình: CII có quyền lợi 89% tại đây.
Công ty có khoản phải thu về cho vay thì lãi suất bao nhiêu và tiền lãi thu về có bù đắp được chi phí lãi vay không?
Ông Bình: Chắc chắn hiệu quả hơn vì nhìn vào báo cáo thì thấy doanh thu tài chính cao hơn chi phí tài chính. Không có chuyện công ty đi vay đắt nhưng hỗ trợ rẻ.
Hiện công ty có cơ chế giám sát, phát triển công ty con như thế nào? Có chiến lược thoái vốn, đầu tư công ty con hay không? Kế hoạch đầu tư dự án mới và thoái vốn dự án cũ ra sao?
Ông Bình: Năm 2012, ĐHĐCĐ công ty xác định chiến lược phát triển là chuyển thành mô hình Holdings, tách từng mảng hoạt động ra để thành lập công ty con trực thuộc.
Sắp tới, dự án đầu tư PPP phải thành lập một công ty con thực hiện dự án. Như vậy, nhân sự chủ chốt công ty con bắt buộc phải có người của CII tham gia.
Với mô hình Holdings, CII trở thành đơn vị điều phối tiền giữa các đơn vị thành viên. Từ đó, không để xảy ra tình trạng một đơn vị đi gửi tiền nhưng một đơn vị khác phải đi vay hay là bị nợ quá hạn.
Năm ngoái, CII quyết định thoái vốn SII do đầu tư 10 năm nhưng thấy hiệu quả không được tốt. Công ty sẽ đầu tư thêm vào CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã: NBB) và đầu tư vào doanh nghiệp dự án trong lĩnh vực hạ tầng.
CII cũng đang đàm phán đầu tư vào một doanh nghiệp hạ tầng niêm yết tên HOSE.
Trong kế hoạch năm nay của CII đã gồm lãi/lỗ thoái vốn SII chưa? Doanh nghiệp sẽ sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu chuyển đổi và gói tài trợ của tổ chức tài chính như thế nào?
Ông Bình: Thoái vốn SII có lãi, nhưng bên mua nợ 50% và trong năm nay sẽ thanh toán. Hiện, CII vẫn đứng tên sở hữu cổ phần SII.
Về gói 9.500 tỷ đồng vay từ tổ chức tài chính, CII sẽ dùng để tái cấu trúc vốn tại 2 dự án lớn. Khi đó, chi phí lãi vay sẽ giảm.
Hiện tại, nguồn tiền thu về từ các dự án này được ngân hàng lấy trước để thu hồi vốn cho vay, sau đó mới đến CII. Nếu cấu trúc lại bằng khoảng vay của tổ chức tài chính mới, CII và tổ chức này sẽ cùng lúc chia sẻ lợi ích theo tỷ lệ vốn tài trợ.
Điều này rất quan trọng vì với nguồn tiền được chia này, CII sẽ có cơ hội làm dự án Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2. Dự kiến, vốn đầu tư cho giai đoạn 2 của Trung Lương - Mỹ Thuận là 1 tỷ USD. Nếu xét theo tình hình thị trường hiện nay thì chỉ có CII là làm được và có nhiều lợi thế dự thầu. Nhưng nhanh thì đến cuối năm 2024, dự án này mới mở thầu.
Thông tin về dự án hạ tầng 4.000 tỷ đồng mà công ty đang nhắm tới?
Ông Bình: CII trước nay không làm nhà thầu thi công và chỉ thi công cho chính công trình của mình nên dự án này sẽ là công trình đầu tư. Tuy nhiên chưa thể tiết lộ.
Nếu chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu thì có ảnh hưởng tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt 15% không?
Ông Bình: Nếu chuyển đổi từ trái phiếu thành cổ phiếu thì thay vì trả lãi trở thành trả cổ tức nên câu chuyện này như nhau.
Chia sẻ thêm lợi nhuận dự án BT tại Thủ Thiêm. CII còn bao nhiêu đất ở Thủ Thiêm?
Ông Bình: CII có tổng cộng 9,6 ha đất ở Thủ Thiêm và còn khoảng 5,3 ha chưa khai thác. Công ty đã nhận quyết định giao đất nhưng thực tế được giao để xây dự án và bán thì chưa biết khi nào. Từ năm 2017 đến giờ, công ty không làm gì được và sẽ cần thêm thời gian.
Ban lãnh đạo có ý định mua thêm và nắm giữ cổ phiếu CII không?
Ông Bình: Nếu nói cá nhân có tiền để mua cổ phiếu CII hay không thì khẳng định là không. Ban lãnh đạo muốn mua thêm thì cũng lực bất tòng tâm. Nếu có tiền tích luỹ thì thỉnh thoảng mua vào.
Ban lãnh đạo đánh giá như thế nào về tính khả thi của dự án đường trên cao?
Ông Bình: Tính khả thi của dự án là khó, khi đi qua 5 quận và 1 huyện. Riêng tiền đền bù giải toả mặt bằng sẽ không dưới 20.000 tỷ đồng. CII sẵn sàng bỏ 29.000 tỷ đồng làm đường trên cao chứ không sẵn sàng bỏ tiền để bù.
Thứ nhất, vốn để làm lớn. Thứ hai, dễ mắc kẹt trong đền bù làm dự án bị tắc. Nên, CII chỉ tham gia dự án PPP nếu Nhà nước đền bù giải toả.
Tổng nợ ngắn hạn và dài hạn của CII khoảng 20.000 tỷ đồng, sắp tới thêm khoảng 10.000 tỷ đồng từ tổ chức tài chính và thêm phát hành trái phiếu thì thì số nợ có thể lên 35.000 tỷ đồng. Tiền trả lãi có ăn mòn lợi nhuận và ảnh hưởng chia cổ tức không?
Ông Bình: Công ty phát hành để cấu trúc nợ nên tổng nợ vẫn dưới 20.000 tỷ đồng. Nên CII sẽ dư sức trả lãi và trả thêm nợ gốc ngân hàng.
Còn phí giao thông có hai yếu tố là lưu lượng xe tăng trưởng và sau ba năm điều chỉnh giá vé nên doanh thu sẽ tăng trưởng, còn nợ vay sẽ giảm xuống. Dư nợ càng về sau càng giảm và giảm càng nhanh.