Khởi nghiệp

Đem bàn học chống cận, chống gù lên Shark Tank gọi vốn, cựu sinh viên ĐH Kiến trúc suýt ra về tay trắng

Xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 6 là Nhà sáng lập, CEO Nguyễn Tuấn Hải của FUT Group, đơn vị sản xuất bàn chống gù, chống cận cho các em học sinh. CEO Tuấn Hải kêu gọi 2 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần của công ty.

Startup chia sẻ thông tin rằng tại Hà Nội và TP.HCM hiện nay có 48% học sinh bị gù và cận. Từ đó, startup chế tạo ra bộ bàn ghế với tên gọi Esca, có thể đẩy lên phía trước và mặt bàn nâng lên một góc từ 15-20 độ, giúp trẻ có tư thế ngồi thoải mái, không còn bị cúi gù thụ động. Việc cúi gù này sẽ khiến trẻ bị chùng cơ và nhìn gần thụ động lâu ngày sẽ gây nên cận thị.

Ngoài ra, bàn Esca có thể điều chỉnh để phù hợp với chiều cao của học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, và dễ dàng di chuyển. Sản phẩm có nhiều giá thành khác nhau, giá từ 1,8 triệu đồng - 3,5 triệu đồng.

Anh Hải chia sẻ thêm, anh từng là Thạc sĩ – Kiến trúc sư trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội. Trước kia, anh thường xuyên phải làm việc với máy tính nhiều giờ nhưng không bị cận. Trong khi đó các con anh, một bé trai học lớp 4 cận 4,5 diop, và chị của cháu học lớp 7 vừa bị gù vừa bị cận 7,5 diop. Tuấn Hải hiện còn một bé 2 tuổi. Mong ước của anh là khi cô con gái đến tuổi đi học, sản phẩm bàn chống gù, chống cận đã được trang bị tại các trường để bé không bị gù, cận như các anh chị mình.

Hiện FUT Group đã hoàn tất một đơn hàng trị giá 216 triệu đồng và một đơn hàng khác trị giá 451 triệu đồng đã được ký kết cũng như bắt tay vào sản xuất.

Về các chỉ số tài chính, vốn điều lệ của FUT Group là 5 tỷ đồng, trong đó CEO thực góp 8,769 tỷ đồng. Ngoài bàn Esca, công ty còn hơn 100 sản phẩm sáng chế khác. Tổng doanh thu là 6,716 tỷ đồng.

Về cơ cấu cổ đông, CEO Tuấn Hải nắm cổ phần 85%, một cổ đông người Nhật nắm 5%, một kỹ sư tin học 5% và giám đốc phụ trách truyền thông 5%. Nếu các Shark khác đầu tư, Tuấn Hải cho biết sẽ nhượng lại số phần trăm cổ phần của chính mình.

Đem bàn học chống cận, chống gù lên Shark Tank gọi vốn, cựu sinh viên ĐH Kiến trúc suýt ra về tay trắng - Ảnh 1.

Shark Phú cảm thấy mô hình bàn chống gù, chống cận là ý tưởng nhân văn, tuy nhiên quy mô tăng trưởng sẽ khó khăn. Ông quyết định không đầu tư nhưng nhấn mạnh có thể hỗ trợ startup về mặt sản xuất.

Trong khi đó, Shark Linh gợi ý startup nghĩ về MVP (minimum viable product) – sản phẩm khả thi tối thiểu.

"Tất cả các công ty khởi nghiệp sẽ xuất phát từ 1 vấn đề và nghĩ ra 1 sản phẩm để giải quyết được vấn đề đó. Với chị, sản phẩm này hơi quá và mình không nhất thiết phải tạo ra sản phẩm 3 triệu trở lên chỉ để thử nghiệm lý thuyết của mình, rằng nếu mình đưa sách lên như vậy thì sẽ giảm bớt tỷ lệ bé bị cận. Ngoài thị trường có nhiều cái kệ để đặt lên bàn rồi đưa giấy hoặc sách lên đó. Bạn có thể thiết kế một cái đơn giản hơn, dễ sử dụng với giá thành khoảng vài trăm ngàn, lúc đó các trường có thể dễ sử dụng hơn. Nói chung mình nên xem xét lại sản phẩm này có đúng hướng đi không hay mình có thể tìm sản phẩm đơn giản hơn", Shark Linh chia sẻ và quyết định không đầu tư.

Shark Liên tuy cảm động vì CEO là một người cha tuyệt vời nhưng startup không thuộc lĩnh vực của bà nên bà không đầu tư.

Lúc này, Shark Hưng lên tiếng thừa nhận bản thân khá quan tâm đến startup. Shark nhận định trong nhóm cổ đông hiện nay chưa có ai chuyên làm kinh doanh nên đề nghị hỗ trợ startup mảng này, với mức đầu tư 2 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần.

Tuy nhiên sau một hồi đàm phán qua lại giữa Shark Hưng và CEO Tuấn Hải, mức giá cuối cùng hai bên thống nhất là 2 tỷ đồng cho 18% cổ phần. Thương vụ kết thúc thành công kèm theo sự ủng hộ tinh thần của Shark Bình, người không đầu tư nhưng tuyên bố "sẽ mua ủng hộ 2 cái bàn cho 2 đứa con nhà anh".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm