Tại dự thảo luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất phụ nữ sinh con thứ 2 sẽ được nghỉ thêm 1 tháng ngoài thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản; lao động nam được nghỉ thêm 5 ngày làm việc ngoài thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con (kinh phí dự kiến hơn 147 tỉ đồng).
Đặc biệt, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật, đồng thời được miễn, giảm chi phí khám thai định kỳ…
Những chính sách trên được Bộ Y tế kỳ vọng sẽ là giải pháp khắc phục mức sinh đang ngày càng xuống thấp của Việt Nam.

Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng dự án luật Dân số
ẢNH: TUYẾN PHAN
Chi phí đắt đỏ, vợ chồng trẻ ngại sinh con
Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng ngày càng giảm, năm 2024 chỉ còn 1,91 con/phụ nữ. Cứ đà này, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm.
Chị Kim Anh (28 tuổi), đang làm việc tại một nhà máy ở Phú Thọ, có một con nhỏ 3 tuổi, nhưng chị cho biết, vợ chồng chị chưa biết bao giờ mới có ý định sinh em bé thứ hai.
Với tổng thu nhập 17 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị Kim Anh đi làm từ thứ hai đến thứ bảy, chủ nhật cũng phải tăng ca. Thời gian dành cho con quá ít. Chưa kể, chi phí sinh hoạt, nuôi con ngày càng tốn kém, mỗi tháng chỉ dư vỏn vẹn vài triệu đồng, trong khi vợ chồng chưa có nhà riêng...
Tâm lý như chị Kim Anh không phải cá biệt. Theo Bộ Y tế, sức ép kinh tế đối với một gia đình trẻ (chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dưỡng và giáo dục con cái…) ngày càng cao; điều kiện sống được cải thiện, học vấn nâng cao khiến người trẻ, nhất là phụ nữ tập trung phát triển sự nghiệp. Nhiều cặp vợ chồng trẻ vì thế phải cân nhắc, chọn sinh con muộn, sinh ít con hoặc không sinh con.
Ưu đãi có đủ hấp dẫn để sinh con thứ hai?
Có một thực tế đặt ra, mức sinh giữa khu vực thành thị luôn thấp hơn khu vực nông thôn; đồng thời có sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng theo trình độ học vấn và mức sống. Mức sinh cao hơn ở nhóm phụ nữ nghèo và có trình độ học vấn thấp; thấp hơn ở nhóm phụ nữ có thu nhập và trình độ học vấn cao hơn.
Theo các chuyên gia về dân số, những gia đình có điều kiện kinh tế, học vấn, địa vị xã hội thường sinh ít con, trong khi lẽ ra họ có thể sinh nhiều con hơn. Vấn đề với họ không hoàn toàn vì kinh tế khó khăn, mà do nhận thức, quan điểm. Đây chính là một trong những khó khăn khi triển khai các chính sách khuyến sinh.
Nhiều phụ nữ tại các tỉnh, thành bày tỏ sự ủng hộ, đón chờ đối với chính sách ưu đãi được Bộ Y tế đề xuất, nhất là việc được nghỉ thêm 1 tháng thai sản khi sinh con thứ hai. Như chị Kim Anh, dù biết vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, song chị nhận thấy dự thảo luật đã phản ánh nỗ lực của Nhà nước trong việc khôi phục dân số. Đây sẽ là động lực để chị sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.
Song, với nhiều phụ nữ khác, áp lực về chuyện sinh con thứ hai vẫn còn rất lớn. Chị Hà Loan (33 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội, đang có con trai 6 tuổi, luôn tìm cách lảng tránh mỗi khi có người hỏi thăm "khi nào đẻ em cho con?".
Người phụ nữ này cho rằng có quá nhiều mối bận tâm khi nuôi dạy một đứa trẻ, từ việc học hành, ăn uống, sức khỏe cho đến văn hóa, chưa kể áp lực công việc của bố mẹ. "Bệnh tật ngày càng nhiều, thực phẩm giả tràn lan, môi trường ô nhiễm, áp lực học rồi thi cử...", chị Loan điểm nhanh những điều mà chị lo ngại.
Dù ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế nhưng người phụ nữ 33 tuổi nói vẫn sẽ cân nhắc về việc sinh con thứ hai. Các khoản hỗ trợ tài chính có ý nghĩa rất lớn khi phụ nữ mới sinh con, còn chặng đường dài nuôi dạy tiếp theo vẫn là ở bố mẹ, "không chuẩn bị tốt thì không tự tin đẻ".

Bộ Y tế đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ khi sinh con để duy trì mức sinh
ẢNH: T.N
Nỗ lực rất lớn của Nhà nước
GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, đánh giá cao các đề xuất tại dự thảo luật Dân số, nói đây là những chính sách mang tính đột phá. Theo vị GS này, trước đây quy định vợ chồng sinh chỉ sinh 1 - 2 con, còn bây giờ pháp luật trao quyền quyết định số con cho các cặp vợ chồng.
Dự thảo luật cũng đề xuất hỗ trợ tài chính cho phụ nữ sinh đủ 2 con. Ông Cử cho rằng, chính sách này không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn hàm chứa sự công bằng.
"Đứa trẻ sinh ra, lớn lên không chỉ mang lại lợi ích và hạnh phúc cho gia đình, nó còn cống hiến cho xã hội, cho Tổ quốc. Vì thế, Nhà nước đứng ra chia sẻ chi phí nuôi dạy là hoàn toàn hợp lý", vị GS nêu quan điểm.
Có ý kiến cho rằng hỗ trợ như dự thảo "như muối bỏ biển", bởi chi phí nuôi dạy một đứa trẻ hiện nay là rất lớn. GS Cử nói, "nếu bảo đủ thì đúng là không thể đủ", nhưng cần nhìn ở góc độ tích cực, đây là sự nỗ lực vô cùng lớn của Nhà nước trong việc đồng hành với người dân, nhất là khi điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế.
GS Cử kỳ vọng, cùng với các khoản hỗ trợ như đề xuất, Đảng và Nhà nước đang khẩn trương nghiên cứu, triển khai các chủ trương về miễn, giảm học phí, viện phí… Những chính sách này "góp gió thành bão", sẽ giảm đi rất nhiều áp lực về kinh tế cho người dân.
Quay trở lại bài toán tăng mức sinh, GS Cử cho rằng, ngoài việc hỗ trợ tài chính, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, để họ không còn "ngại sinh con".
"Còn trẻ, còn khỏe, thấy lười kết hôn, ngại sinh con, cuộc sống tự do, tự quyết thật đó. Nhưng không ai trẻ mãi được. Rồi đến lúc 50 - 60 tuổi sẽ ra sao", ông Cử nói, đồng thời khẳng định, việc sinh con rất cần thiết, trước tiên là cho hạnh phúc gia đình, sau là cho sự phát triển lâu dài của xã hội.