Doanh nghiệp

Đằng sau Lạc đà đô thị của Selex Motors và cửa duy nhất để cạnh tranh sòng phẳng với xe điện Trung Quốc

Anh tài xế xe ôm công nghệ nhận một cuốc xe xuất phát từ Củ Chi (TP HCM) đi cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) với khoảng cách chừng 50 km. Hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng, anh quay trở về trung tâm kinh tế sôi động của cả nước, tiếp tục phục vụ các khách hàng có nhu cầu di chuyển khác cho tới đêm.

Hôm đó, bộ đếm của chiếc xe ghi lại tổng quãng đường di chuyển xấp xỉ 400 km, tương đương khoảng cách từ TP HCM – Nha Trang. Mọi thứ nghe có vẻ bình thường, ngoại trừ việc phương tiện mà tài xế sử dụng là một chiếc xe điện hai bánh, và anh không hề phải mất thời gian dừng cho việc sạc pin suốt cả hành trình.

Đằng sau 'Lạc đà đô thị' của Selex Motors và 'cửa duy nhất' để cạnh tranh sòng phẳng với  xe điện Trung Quốc- Ảnh 1.

Đó là câu chuyện được ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, đồng sáng lập và giám đốc điều hành Selex Motors, dẫn lại như một ví dụ điển hình cho sản phẩm được phát triển bởi công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện thông minh.

Thực tế, phương tiện của Selex chưa có hành trình tối đa xa tới hàng trăm km, mà họ đang giải quyết vấn đề đó thông qua hệ thống trạm đổi pin tự động. Chỉ với vài phút, tài xế có thể nạp đầy năng lượng cho chiếc xe điện của mình, tương đương thời gian đổ xăng với xe động cơ đốt trong thông thường.

Xe điện đã chứng minh được khả năng tiết kiệm chi phí trên mỗi km vận hành so với xe xăng. Nhưng vấn đề của xe điện là thời gian sạc ngốn hàng tiếng đồng hồ.

“Thời gian đó là thu nhập với các tài xế giao vận,” ông Nguyên nói với người viết. Giải pháp đổi pin chính là lời giải giúp cho các tài xế tránh thời gian chết.

Để đạt được 400 km di chuyển liên tục ngày hôm đó, anh tài xế đổi pin hai lần, tìm kiếm trạm pin và đặt trước pin thông qua ứng dụng cũng được thiết kế bởi Selex.

Đằng sau 'Lạc đà đô thị' của Selex Motors và 'cửa duy nhất' để cạnh tranh sòng phẳng với  xe điện Trung Quốc- Ảnh 2.

Giới hạn về độ dài hành trình của xe điện đang dần được phá vỡ bởi hệ sinh thái toàn diện được tạo bởi CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên và các cộng sự, bao gồm: xe máy điện thông minh, pin có tính hoán đổi cao, trạm đổi pin tự động, và hạ tầng IOT (Internet Of Thing).

Liệu cách đi này có thể giúp Selex tồn tại một cách bền vững trong môi trường khắc nghiệt như khởi nghiệp xe điện, vốn khó nhằn ngay cả đối với các công ty có bộ đệm vốn dày trên thị trường?

Đằng sau 'Lạc đà đô thị' của Selex Motors và 'cửa duy nhất' để cạnh tranh sòng phẳng với  xe điện Trung Quốc- Ảnh 3.

Lạc đà nổi tiếng với khả năng di chuyển đường dài trên sa mạc mà không cần nhiều nước và thức ăn. Chúng có thể mang vác nặng, giúp vận chuyển người và hàng hoá qua những vùng đất khô cằn.

Mẫu xe điện đầu tiên của Selex mang tên “Camel”, được lấy cảm hứng từ loại động vật này, nhưng cùng lúc thể hiện phân khúc thị trường mà công ty nhắm tới. “Có khoảng hai triệu tài xế trong lĩnh vực vận tải hai bánh, tập trung ở các thành phố lớn,” ông Nguyên cho biết.

Nhóm nghiên cứu của Selex tiến hành phân tích tập khách hàng này và rút ra kết luận: Cần có một chiếc xe tối ưu không gian để có thể chuyên chở nhiều hàng hoá nhất có thể. Vậy là mẫu xe được thiết kế tăng gấp rưỡi về cả thể tích và tải trọng vận tải so với các dòng xe máy xăng thông thường. Ngoài ra, nhiều chi tiết được tối ưu để giúp cho tài xế vận hành xe một cách thuận tiện.

Tài xế giao vận khi sử dụng xe điện của Selex lợi hai đường, theo ông Nguyên.

Một, họ có thể tăng năng suất lao động. Thống kê từ công ty thương mại điện tử Lazada, đối tác mua xe đầu tiên của Selex, cho biết số kiện hàng trên chuyến đi của tài xế tăng từ 20 – 30%. Điều này giúp họ tăng thu nhập, được tính bằng số lượng kiện hàng được giao thành công.

Hai, tài xế giảm được đáng kể chi phí vận hành, bao gồm cả chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng xe định kỳ. Hiệu ứng kép giúp cho các tài xế đem về thu nhập ròng tốt hơn so với trước chuyển đổi, nghiên cứu được thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

CEO Selex nói rằng, trung bình các tài xế có thể hoàn vốn đầu tư xe điện sau chưa đầy một năm.

Đằng sau 'Lạc đà đô thị' của Selex Motors và 'cửa duy nhất' để cạnh tranh sòng phẳng với  xe điện Trung Quốc- Ảnh 4.

Mới ra mắt sản phẩm vào năm ngoái, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho biết Selex đã chứng minh được sự phù hợp của sản phẩm với thị trường (Product Market Fit). Hiện nay, hãng xe điện đang trong giai đoạn mở rộng quy mô, bao gồm cả việc tăng cường số lượng xe bán ra và phát triển hệ thống đổi pin.

Đây là hai thị trường chính đem về doanh thu cho Selex, vẫn trong giai đoạn sớm, nhưng cần phát triển song song. Bởi, sẽ không có tài xế Selex nào có thể chạy 400 km liên tục nếu không có hệ thống đổi pin hỗ trợ.

Đó chính là hạ tầng năng lượng quan trọng quyết định khả năng sử dụng tối ưu những chiếc xe “lạc đà đô thị” của công ty khởi nghiệp, với hành trình tối đa hiện nay khoảng 150 km nếu đủ ba pin sạc đầy. Lưu ý rằng, pack pin là sản phẩm do Selex tự phát triển.

Đằng sau 'Lạc đà đô thị' của Selex Motors và 'cửa duy nhất' để cạnh tranh sòng phẳng với  xe điện Trung Quốc- Ảnh 5.

Tính đến cuối năm 2024, Selex có hơn 80 trạm đổi pin trên toàn quốc, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP HCM, nhà sáng lập cho biết. Hiện tại, công ty vẫn là nhà đầu tư chính mở rộng hệ thống đổi pin, nhưng có ý định biến hệ thống này thành mạng chia sẻ, cả về mặt sử dụng và sở hữu kinh doanh.

Có nghĩa là Selex sẵn sàng chia sẻ công nghệ để các hãng xe điện khác dùng chung pin, cũng như mời gọi các đối tác đầu tư, vận hành, và phân chia lợi ích từ trạm đổi.

Hiện nay, về mặt sử dụng, Selex đã ký hợp tác cùng tập đoàn Sơn Hà để dòng xe điện EVGO có thể sử dụng hệ thống đổi pin. Đối với đầu tư hạ tầng, startup xe điện đặt mục tiêu có 1.000 trạm đổi pin trên khắp cả nước trong vòng hai năm, hướng đến 10.000 trong vòng năm năm.

Tuy nhiên, đây là bài toán đòi hỏi nguồn lực về vốn mạnh, luôn là điểm yếu của các startup non trẻ. Cho tới nay, Selex mới chỉ huy động được hơn 8 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn sớm.

Đằng sau 'Lạc đà đô thị' của Selex Motors và 'cửa duy nhất' để cạnh tranh sòng phẳng với  xe điện Trung Quốc- Ảnh 6.

Khởi nghiệp xe điện là một lĩnh vực khó, nhất là khi ở một quốc gia với tỷ lệ sử dụng xe động cơ đốt trong cao như Việt Nam. Doanh số bán xe máy hàng năm từ 2,5 – 3 triệu chiếc, với thị phần lớn nhất thuộc về Honda Việt Nam, theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM).

Các công ty có tuổi đời non trẻ như VinFast, Selex, DatBike vẫn đang nỗ lực chứng minh năng lực của mình với thị trường. Tuy nhiên, bài toán xe điện không phải câu chuyện của riêng doanh nghiệp, theo ông Nguyên.

Thực tế, vai trò của Chính phủ đối với điện hoá phương tiện giao thông là cực kỳ quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc trở thành cường quốc số một thế giới về xe điện như hiện nay.

Tất cả xuất phát từ chính sách ưu đãi sớm của quốc gia này trên nhiều khía cạnh, từ những khoản ưu đãi tài chính cho đến phi tài chính: hỗ trợ nhà sản xuất, ưu tiên di chuyển tại thành phố lớn, phát triển hạ tầng, miễn thuế, hỗ trợ nghiên cứu phát triển…

Trong khu vực, cả Indonesia và Thái Lan đều cũng có những cơ chế khuyến khích hấp dẫn để người dân tăng cường mua và sử dụng xe điện.

Ở Việt Nam, Chính phủ vẫn chưa có nhiều chính sách hay lộ trình thực sự cụ thể, theo vị tổng giám đốc Selex. “Cần phải có những cơ sở để các bên yên tâm về tương lai của xe điện sẽ xảy ra, từ đó nguồn vốn đầu tư nước ngoài mới đổ vào,” ông Nguyên bổ sung.

Đằng sau 'Lạc đà đô thị' của Selex Motors và 'cửa duy nhất' để cạnh tranh sòng phẳng với  xe điện Trung Quốc- Ảnh 7.

Quả thật, chính sách là nút thắt một khi được tháo gỡ sẽ kéo theo nhiều hệ quả khác bao gồm cả nguồn lực tài chính đổ vào lĩnh vực xe điện. Selex là một trong những startup EV (Electric Vehicle) đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, nhưng chuyện thu hút vốn luôn gặp khó so với “đàn em” tại Indonesia hay Thái Lan bởi yếu tố môi trường kinh doanh.

Các nhà đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng rủi ro cũng như khả năng giành thắng lợi nhanh chóng trước khi rót tiền, chia sẻ từ câu chuyện của bản thân CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên khi đi gọi vốn cho công ty.

Nhưng ngay cả với điều kiện cần là Chính phủ thúc đẩy việc sử dụng xe điện một cách toàn diện, điều kiện đủ là các startup nội địa phải có đủ nội lực để cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là khi làn sóng đổ bộ của xe Trung Quốc ngày càng diễn ra nhanh mạnh. Với Selex, chìa khóa nằm ở việc “làm chủ công nghệ và thiết kế” với linh hồn là đội ngũ nghiên cứu phát triển (R&D).

Ba nhà sáng lập Selex Motors đều là dân nghiên cứu phát triển, trong đó có hai người là tiến sĩ nghiên cứu tại Đại học Michigan, trường tốp về kỹ thuật của Mỹ, người còn lại từng làm giám đốc phần mềm của công ty công nghệ quốc phòng Israel.

Đằng sau 'Lạc đà đô thị' của Selex Motors và 'cửa duy nhất' để cạnh tranh sòng phẳng với  xe điện Trung Quốc- Ảnh 8.

Đội ngũ sáng lập lĩnh xướng bộ phận R&D của Selex, trong năm năm đầu công ty chỉ nghiên cứu và nghiên cứu. Vậy thì tiền đâu nuôi đội ngũ?

Đầu tiên, công ty sống bằng tiền túi của founder, rồi kế đến là các nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư mạo hiểm. Trong đại dịch COVID-19, không gọi vốn được, Selex làm luôn máy rửa tay tự động để kiếm doanh thu. Ông Nguyên vẫn nhớ như in về văn phòng đầu tiên rộng chỉ 10m2 của Selex trong lòng Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng nhằm mục đích để tuyển chọn nhân tài từ sớm.

“Nếu không làm chủ được R&D, công ty sẽ thất bại và quay trở lại cái ‘máng lợn’: gia công, lắp ráp, tạo giá trị gia tăng thấp,” vị CEO thẳng thắn. Mặt khác, xe điện Trung Quốc quá mạnh, nếu không có lợi thế cạnh tranh gì về mặt công nghệ công ty chắc chắn sẽ bị đè bẹp.

Đằng sau 'Lạc đà đô thị' của Selex Motors và 'cửa duy nhất' để cạnh tranh sòng phẳng với  xe điện Trung Quốc- Ảnh 9.

Trước khi quyết định khởi nghiệp vào năm 2018, ông Nguyên đã dành một chuyến đi tới Trung Quốc để tìm hiểu câu chuyện thành công của nước bạn, có hai ý quan trọng được rút ra.

Thứ nhất, nếu dựa trên công nghệ Trung Quốc, việc tạo một nhà máy sản xuất xe điện chỉ mất từ 6 – 12 tháng. Đó là con đường bằng phẳng dễ đi, nhưng một khi xe Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Việt Nam, những đơn vị chọn phương án này chắc chắn bật bãi.

Thứ hai, ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc mạnh nhưng không phải không có những lỗ hổng. Một trong số đó là sự thiếu đồng bộ, họ sản xuất ra những chiếc xe điện chứ không phải giao thông thông minh, theo góc nhìn của ông Nguyên.

Trở về Việt Nam, Selex được lập ra hướng đến xây dựng nền tảng cho giao thông thông minh mà xe điện chỉ là một cấu thành trong đó. Vì thế, cần phải hình dung cả một hệ sinh thái, không chỉ ở sản phẩm mà còn ở cả chuỗi cung ứng. Đó là suy nghĩ lớn với một startup, nhưng là cửa duy nhất để cạnh tranh với xe điện Trung Quốc, theo ông Nguyên. “Cái chúng tôi có là chất xám, tham vọng, và niềm tin.”

Khoảng 80% thành phần cấu tạo nên chiếc xe điện Selex được phát triển trong nước. Đó là thành quả của quá trình R&D và xây dựng chuỗi cung ứng chủ động. Nhờ việc làm chủ công nghệ và thiết kế, Selex có thể đặt yêu cầu với các nhà sản xuất trong nước và hướng dẫn cách làm.

Công ty khởi nghiệp làm việc sâu sắc cùng nhà cung ứng của mình, hỗ trợ họ phát triển về mặt kỹ thuật, và hợp tác cùng làm sản phẩm. Tất cả nằm trong chủ trương phát triển chuỗi cung ứng nội địa của Selex, tránh phụ thuộc nước ngoài vốn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường. Về lâu dài, công ty khởi nghiệp non trẻ muốn biến đây trở thành lợi thế cạnh tranh, giúp tối ưu hoá về giá cả.

Đằng sau 'Lạc đà đô thị' của Selex Motors và 'cửa duy nhất' để cạnh tranh sòng phẳng với  xe điện Trung Quốc- Ảnh 10.

Selex mới chỉ đi những bước đầu tiên xét trong cả mục tiêu tham vọng của mình. Đó cũng là mối nối truyền cảm hứng gắn kết ba nhà sáng lập cùng nhau, dẫu biết rằng khả năng thất bại trong lĩnh vực xe điện với một công ty khởi nghiệp tỷ lệ nghịch tương ứng. “Nhưng không phải ai cũng có cơ hội làm những việc như vậy,” CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm