Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.
Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực huy động các nguồn lực, với mục tiêu huy động 100.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) đánh giá đây là nguồn lực rất lớn để đầu tư các công trình trọng điểm. Bên cạnh tiền Đồng, Đại biểu cũng kiến nghị cần có giải pháp huy động ngoại tệ trong dân.
"Hiện nay lượng kiều hối của người dân rất lớn, một năm hơn 20 tỷ USD. Thực tế, người dân giữ USD luôn xem Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá trung tâm để có phương án sử dụng, nắm giữ", ông Sơn cho biết.
"Trường hợp nếu tỷ giá trung tâm càng tăng thì người dân càng găm giữ USD, trong khi các nước xung quanh tăng lãi suất USD thì chúng ta cũng nên nghĩ liệu có tình trạng chảy USD của ta từ trong nước ra nước ngoài hay không? Bởi nếu lãi suất huy động USD của ta bằng 0 thì các nước xung quanh, nhất là Mỹ đã tăng 5,5%/năm" - đại biểu nói
Theo đại biểu Sơn, Chính phủ nên tính toán huy động các nguồn lực, kể cả nội tệ và ngoại tệ để đầu tư phát triển. Thay vì đi vay nước ngoài, cũng là USD thì người dân có nhiều USD nên cần quan tâm nguồn lực này.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ vui mừng khi kinh tế đất nước vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại; kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ổn định trong khi thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về những tồn tại hiện nay, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường với tỷ lệ cao, nhiều dự án đầu tư còn dở dang, tài sản công sử dụng chưa hiệu quả.
Đại biểu đánh giá cao 11 giải pháp Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn. Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có kiểm soát, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Chính phủ cũng trình việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%; cùng với đó tiếp tục cơ cấu nợ, ổn định tỷ giá, ổn định lãi suất kiểm soát lạm phát.
Đại biểu nêu rõ, thế giới ngày nay biến đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, kể từ khi có đại dịch COVID-19, do đó cần phải có những giải pháp tương thích. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu hiện nay biến động khó lường, khó đoán định, bất định, vì vậy phải tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo. Mặt khác, với tình hình giá cả biến đổi nhanh nên thủ tục trong đầu tư công về tổng vốn đầu tư hay thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần sớm luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù.
Cũng theo đại biểu, kinh tế thế giới ngày nay xuất hiện nhiều hình thức nên dễ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, đại biểu cho rằng phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế, cần quan tâm đến thị trường nội địa, đặc biệt phải ưu tiên xúc tiến thương mại đối với thị trường nội địa, thị trường lân cận, thị trường khu vực ASEAN.