Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của doanh nghiệp và người dân trong Dự luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được trình tại Quốc hội là việc tăng thuế đối với một số mặt hàng trong đó có rượu, bia.
Cân nhắc lùi thời gian áp dụng thêm 1 năm
Góp ý vào Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) khi thảo luận tại tổ sáng 22/11, Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội cho rằng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có mục tiêu thay đổi hành vi của người tiêu dùng chứ không phải để tăng thu ngân sách.
Vì vậy, đại biểu yêu cầu khi đưa ra giải pháp tăng thuế thì cơ quan soạn thảo cần làm rõ việc tăng thuế có làm chuyển đổi hành vi người tiêu dùng hay không?
Đại biểu cũng đề nghị, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nên ban hành vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cảnh báo cho người tiêu dùng biết rằng, đến thời điểm áp dụng Luật Thuế TTĐB mà không thay đổi hành vi thì sẽ phải chịu mức giá cao.
"Một năm này cũng là thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị để thay đổi sản xuất, chuyển sang các mặt hàng có ít tác động tiêu cực đến sức khoẻ người tiêu dùng hay chuyển sang các mặt hàng có thể được khuyến khích hơn", Đại biểu Cường nói.
Việc có thời gian chờ để cả người tiêu dùng và cả doanh nghiệp có thời gian để chuyển đổi, ông cho biết.
Ở khía cạnh khác, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP HCM cho biết, ngành bia đóng góp cho ngân sách Nhà nước khá lớn khoảng 56.000 tỷ đồng, lao động trực tiếp khoảng 50.000 người. Trong khi đó, ngành sản xuất này vừa phục hồi sau đại dịch. Vì vậy, cần cân nhắc về lộ trình và mức tăng để tránh cú sốc mới.
Theo ông, nhiều ngành sản xuất, kinh doanh chịu tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19, trong đó có rượu, bia. Số lượng khách du lịch quốc tế cũng như khách du lịch trong nước giảm mạnh trong những năm gần đây gây ảnh hưởng tới các ngành dịch vụ.
Nên giữ mức thuế TTĐB 65% với mặt hàng rượu, bia
"Do đó, chúng ta cần đảm bảo không gây ra một cú sốc tiếp theo đối với các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách, cũng như giải quyết công ăn việc làm", Đại biểu cho biết.
Đại biểu Ngân cho rằng nên giữ nguyên mức thuế TTĐB 65% như hiện nay, sau đó mới tính toán mức tăng phù hợp để doanh nghiệp tính toán thời gian phục hồi và điều chỉnh kế hoạch sản xuất.
Tương tự, nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng cho rằng, việc tăng thuế là cần thiết nhưng nếu tăng ngay trong thời điểm khi Luật có hiệu lực thi hành thì sẽ ảnh hưởng, tác động đến các chuỗi ngành hàng như bia, rượu, nước giải khát, thuốc lá… Do vậy, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, tính toán lộ trình tăng cho phù hợp với mục tiêu đề ra.
Chia sẻ thêm từ ý kiến của địa phương, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các doanh nghiệp đề nghị Quốc hội xem xét phương án lộ trình tăng thuế suất phù hợp thay vì tăng ngay trong năm tới và các năm tiếp theo.
Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đưa ra hai phương án lộ trình tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia.
Phương án 1, tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030.
Phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030.
Tương tự, mặt hàng rượu trên 20 độ cũng được đề xuất hai phương án tăng thuế TTĐB giống với mặt hàng bia.
Với rượu dưới 20 độ, Bộ Tài chính đề xuất phương án 1 tăng từ mức thuế 35% hiện hành lên 40% năm 2026 và mỗi năm tăng 5% đến 60% năm 2030 còn phương án 2 tăng từ mức 35% hiện hành lên 50% năm 2026, mỗi năm tăng thêm 5% và lên đến 70% vào năm 2030.