Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của Central lần lượt đạt 35% năm 2020 và 26% năm 2021, cao hơn doanh nghiệp cùng ngành.Kinh doanh có lãi nhưng Central vẫn âm dòng tiền kinh doanh, nợ vay cao hơn vốn chủ.
5 năm một hành trình
Sau 14 năm chèo lái con thuyền Coteccons ( HoSE: CTD ) cùng Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương, ông Trần Quang Tuấn quyết định từ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc vào năm 2017.
Sau đó, ông Tuấn cùng một cộng sự khác tại Coteccons là ông Vũ Đức Tài, sáng lập ra CTCP Xây dựng Central. Theo đó, ông Tuấn nắm 81% cổ phần, ông Tài sở hữu 10% vốn, còn lại là 4 cổ đông cá nhân khác. Từ khi thành lập đến nay, ông Tuấn giữ vai trò Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc; ông Vũ Đức Tài làm Giám đốc điều hành.
Ngay từ thời điểm thành lập đến nay, trải qua 5 năm, vốn điều lệ Central không đổi, giữ ở mức 100 tỷ đồng.
Central cung cấp dịch vụ tổng thầu, thiết kế, thi công và hoàn thiện dự án trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp - những phân khúc mà nhiều doanh nghiệp khác cùng cạnh tranh như Coteccons, Hòa Bình, Ricons hay Newtecons. Dù mới chỉ 5 thành lập nhưng Central đã trúng thầu nhiều hợp đồng lớn từ những khách hàng truyền thống của Coteccons như Vingroup, Phát Đạt, Hòa Phát...
Gần đây, doanh nghiệp này còn thi công các dự án của Masteri, Hưng Vượng, TTC Land… Một số dự án nổi bật có thể kể đến như The Global City, Astral City, Masteri Centre Point, Empire City (TP HCM), Venezia Beach Hồ Tràm, Nhà máy sản xuất container Hòa Phát (Bà Rịa - Vũng Tàu)...
Ngoài ra, Central cũng thi công một số dự án khác như Văn phòng công ty Thế Giới Di Động, Văn phòng ETown 5 của Cơ Điện lạnh REE, Triều Châu Hotel, Trường liên cấp Edison, Nhà máy bao bì nhựa Thành Phú, , Tropicana Nha Trang (Beau Rivage), Khu nghỉ dưỡng ALMA (Cam Ranh)...
Ông Trần Quang Tuấn (trái) và ông Vũ Đức Tài (phải). Ảnh: Central |
Vốn nhỏ, lãi to
Dù mới chỉ 5 năm hoạt động nhưng theo giới thiệu trên website, Central có hơn 1.300 nhân viên, thi công 108 dự án với hơn 14.000 nhân công. Doanh số backlog (giá trị hợp đồng chuyển tiếp) đạt gần 17.300 tỷ đồng. Central không nêu thời điểm backlog cụ thể nhưng với Hòa Bình, con số này từ 2021 chuyển qua 2022 là 16.000 tỷ đồng, còn Coteccons là 22.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ về vốn, số năm thành lập ít nhưng khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của Central lại khá vượt trội so với các công ty cùng ngành. Theo dữ liệu mà Người Đồng Hành có được, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của Central lần lượt đạt 35% năm 2020 và 26% năm 2021. Ngoài ra, ROE năm 2020 của Central gấp 2,3 lần và năm 2021 gấp 2,8 lần mức trung bình của 7 doanh nghiệp được khảo sát.
|
Trong 2 năm qua, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Central giữ ở mức ổn định. Năm 2021, doanh thu đạt 5.037 tỷ đồng còn lợi nhuận đạt 114,5 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp ở mức 5,1%, chỉ thấp hơn Hòa Bình.
Do không tăng vốn nên lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của Central ở mức hơn 11.000 đồng trong năm 2020 và 2021, con số mà Coteccons đạt được khi ở thời điểm đỉnh cao dưới thời ông Nguyễn Bá Dương.
Đơn vị: tỷ đồng |
Mặc dù vậy, Central cũng đối mặt với tình trạng bị chiếm dụng vốn. Phải thu ngắn hạn của khách hàng năm 2021 là 2.403 tỷ đồng, tăng 17% cùng kỳ năm trước và chiếm 59% tổng tài sản.
Phải thu liên tục tăng là nguyên nhân chính dẫn đến dòng tiền hoạt động kinh doanh 2 năm vừa qua của doanh nghiệp đều âm, âm lần lượt 117 tỷ đồng và 248 tỷ đồng.
Cùng với gia tăng các khoản phải thu, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng gia tăng, năm 2021 gấp 3,7 lần năm trước, đạt 1.125 tỷ đồng. Vay dài hạn còn 39 tỷ đồng, giảm 11%. Doanh nghiệp có nợ vay gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu, tính tại năm 2021.