Doanh nhân

Cổ phiếu VinFast tăng hơn 108%, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh nhất thế giới

Cổ phiếu VinFast mở cửa phiên giao dịch ngày 22/8 tại Mỹ đầy tích cực với mức giá 19,22 USD/cổ phiếu. Trong phiên, mã cổ phiếu này ghi nhận tăng mạnh khi có thời điểm tăng lên mức 46,98 USD/cổ phiếu trước khi hạ mức tăng về cuối ngày để đóng cửa ở mức giá 36,72 USD/cổ phiếu tương đương mức tăng 19,14 USD/cổ phiếu so với giá đóng cửa phiên liền trước. Với mức tăng này, cổ phiếu VinFast đã tăng 108,87% so với mức giá đóng cửa ngày 21/8 vừa qua. Thị giá của VinFast đang tiến gần mức giá hơn 37 USD/cổ phiếu chốt phiên chào sàn hôm 15/8 vừa qua.

Cùng với mức tăng ấn tượng, trong phiên giao dịch ngày 22/8, thanh khoản của VinFast cũng bùng nổ với hơn 19,4 triệu cổ phiếu được sang tay, giá trị giao dịch đạt hơn 633 triệu USD.

Cổ phiếu VinFast tăng hơn 108%, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh nhất thế giới - 1

VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố nhiều kế hoạch kinh doanh mới  

Với mức giá đóng cửa 36,72 USD trong phiên giao dịch ngày 22/8, giá trị vốn hóa của VinFast đạt 85,27 tỷ USD. Với giá trị vốn hóa này, hãng xe hơi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng trên hàng loạt hãng xe lâu đời như Ferrari NV (56,51 tỷ USD), Stellantis NV (56,42 tỷ USD), Honda Motor Co Ltd ADR (50,60 tỷ USD), Ford Motor Company (47,04) tỷ USD hay General Motors Company (46,25 tỷ USD).

Cùng với đà tăng ấn tượng của cổ phiếu VinFast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng trở thành tỷ phú USD có tài sản tăng nhiều nhất trên bảng xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Forbes. Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 22/8, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng tới 20,3 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức tăng của tỷ phú Bernard Arnault (tăng 1,7 tỷ USD), tỷ phú Elon Musk (tăng 1,4 tỷ USD) hay tỷ phú Gautam Adani tăng 1,1 tỷ USD.

Kết phiên giao dịch ngày 22/8, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong danh sách tỷ phú USD thế giới của Forbes có giá trị 43,7 tỷ USD, và người giàu nhất Việt Nam đứng vị trí 27 trong danh sách tỷ phú USD thế giới.

Cổ phiếu VinFast có phiên giao dịch bùng nổ trong phiên giao dịch ngày 22/8 đến sau cuộc trò chuyện giữa nhà báo Julia Chatterly của đài CNN và bà Lê Thị Thu Thuỷ, CEO VinFast, phát sóng trực tiếp vào 9 giờ sáng (giờ Mỹ) đã tiết lộ nhiều thông tin về chiến lược của hãng xe Việt hậu niêm yết và những thông tin xoay quanh cổ phiếu VFS.

“First Move with Julia Chatterley” là chương trình về kinh tế hàng đầu của Đài truyền hình CNN, phát vào 9 giờ sáng (giờ Mỹ) hàng ngày và lên sóng trực tiếp tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York.

Tiêu chí để xuất hiện trong chương trình này là doanh nghiệp có bước chuyển mình đột phá, có triển vọng phát triển ấn tượng. Ngoài đại diện Vingroup, người dẫn chương trình Julia Chatterley từng trò chuyện với nhiều lãnh đạo nổi tiếng đến từ các thương hiệu như ông Reid Hoffman - đồng sáng lập mạng xã hội Linkedin, Chủ tịch hãng Emirates Airlines – ông Tim Clark, Chủ tịch hãng Cisco – ông Chuck Robins…

Trong cuộc trò chuyện, bà Lê Thị Thu Thuỷ đã giải đáp nhiều thắc mắc của người dẫn chương trình Julia Chatterley và giới đầu tư. Mở đầu cuộc trò chuyện, CEO VinFast cho biết: “Chúng tôi luôn có rất nhiều kế hoạch lớn phía trước. Chúng tôi đã niêm yết thành công và tin rằng thị trường chung đang phục hồi và sẽ giúp ích cho VinFast trong việc gọi vốn trong tương lai”.

Theo lãnh đạo của VinFast, công ty đang nhận được sự hỗ trợ từ công ty mẹ Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vương với cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD. Số tiền này đảm bảo cho công ty có thể hoạt động đến thời điểm hòa vốn và có lợi nhuận.

“Chúng tôi đang xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina, tập trung vào sản xuất, bàn giao xe và đang mở rộng ra các thị trường khác, bao gồm Bắc Mỹ, Việt Nam, sắp tới là Châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông”, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

Cổ phiếu VinFast tăng hơn 108%, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh nhất thế giới - 2

Khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh nhất trong danh sách các tỷ phú USD của Forbes

Chia sẻ về khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ, nơi có nhiều thương hiệu xe điện lớn trong đó có Tesla, bà Lê Thu Thủy cho biết: “Mỹ là thị trường rất khó khăn và thách thức. Nếu chúng tôi có thể thành công ở Mỹ, chúng tôi có thể xây dựng thương hiệu VinFast và thành công ở bất kỳ nơi đâu”.

Theo CEO VinFast, riêng nhà máy ở Việt Nam có công suất đạt 300.000 xe/năm và đang có kế hoạch mở rộng quy mô lên tới 950.000 xe/năm. Nhà máy ở Việt Nam có nhiều lợi thế, từ chi phí nhân công tới chuỗi cung ứng bền vững. Trong khi đó, khi đi vào hoạt động, nhà máy của VinFast ở Bắc Carolina có công suất 150.000 xe/năm và có thể mở rộng quy mô tùy theo nhu cầu của thị trường.

Chia sẻ thêm về lượng đơn đặt hàng của mẫu xe của VinFast trước khi niêm yết tại Mỹ, bà Thủy cho biết VinFast có 26.000 đơn đặt hàng trên toàn cầu và khoảng 10.000 đơn tại Mỹ, trong đó 2/3 đơn đặt hàng ở Mỹ là mẫu xe VF9. Rất nhiều khách hàng đang chờ đợi nhận mẫu xe này tại Mỹ.

Về bài toán trạm sạc, bà Thủy tiết lộ VinFast có thể hưởng lợi từ hệ thống trạm sạc phát triển mạnh mẽ ở Mỹ. Hiện tại, xe VinFast có thể kết nối với khoảng 73.000 trạm sạc ở Mỹ. Trong tương lai, con số này có thể tăng cao hơn nữa khi các đối tác của VinFast mở rộng hệ thống trạm sạc của mình…

Cùng với đó, Reuters cũng đưa tin Star Group Industrial (SGI) của Hàn Quốc, công ty cung cấp nam châm cho VinFast và Hyundai Motor của Hàn Quốc đang đầu tư 80 triệu USD vào một nhà máy mới ở Việt Nam, bắt đầu sản xuất vào năm 2024. SGI mô tả khoản đầu tư này là một phần của "biện pháp đối phó" chống lại các hạn chế thương mại có thể có của Trung Quốc.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm