Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường, OCB tăng trần với thanh khoản cao nhất từ đầu tháng 10

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11 khi là nhóm dẫn dắt và nâng đỡ thị trường chung. Theo đó, trong 10 mã kéo chỉ số Vn – Index tăng mạnh nhất thì có tới 7 mã thuộc nhóm ngân hàng là VCB, VPB, TCB, TPB, STB, MBB và OCB.

Kết phiên, toàn ngành ngân hàng ghi nhận 20 mã tăng giá, 5 mã giả và 2 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, OCB dẫn đầu toàn ngành về mức tăng khi tím trần 6,82% lên 14.100 đồng/cp. Cùng với giá, thanh khoản của OCB cũng tăng mạnh với 2,5 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trực tiếp trên sàn – mức cao nhất kể từ đầu tháng 10.

Cổ phiếu OCB bật tăng mạnh mẽ sau khi ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh 9 tháng với tổng tài sản đạt 193.150 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số huy động thị trường 1 (bao gồm ủy thác đầu tư) của ngân hàng đạt 129.568 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ, hoàn thành 84% kế hoạch năm 2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.649 tỷ đồng. Các tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) luôn đảm bảo và đáp ứng theo quy định của NHNN.

Bên cạnh việc không ngừng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, ngân hàng cũng đã triển khai những giải pháp đồng bộ, tăng cường công tác thu hồi xử lý nợ xấu cũng như kiểm soát chất lượng tín dụng. Hiện, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đang được kiểm soát theo đúng quy định của NHNN.

Ngoài OCB, nhiều mã ngân hàng khác cũng bật tăng mạnh trong phiên hôm nay như TPB (5,3%), VPB (5,2%), STB (4,6%), KLB (4,3%), VBB (3,5%), VIB (2,8%),… Với kết quả trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng hiện đã tăng được 15 – 30% so với mức đáy ghi nhận vào trung tuần tháng 10.

Cổ phiếu ngân hàng hồi phục mạnh mẽ trong bối cảnh báo cáo tài chính quý III cho thấy kết quả kinh doanh của các nhà băng vẫn tiếp tục tăng trường tốt, bất chấp ảnh hưởng của xu hướng lãi suất huy động tăng và room tín dụng hạn chế.

Theo Chứng khoán ACB (ACBS), áp lực trích lập dự phòng giảm đáng kể so với năm 2021 và đây sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính cho các ngân hàng trong nửa cuối năm 2022. Nguyên nhân áp lực dự phòng giảm đến từ chất lượng tài sản cải thiện. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 duy trì ở mức ổn định, trong khi nợ tái cơ cấu do COVID-19 có xu hướng giảm dần kể từ sau dịch bệnh.

Bên cạnh các thông tin tích cực về kết quả kinh doanh, giới chuyên môn cũng nhận định nhóm cổ phiếu nhóm ngân hàng đã xuống vùng giá hấp dẫn, sau nhịp giảm sâu từ đầu năm khiến nhiều mã mất 40 – 50% giá trị.

Tại hội thảo chiến lược đầu tư quý IV/2022, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) cho rằng nhóm ngành ngân hàng đang bị ảnh hưởng nặng bởi thông tin xử lý sai phạm trong nền kinh tế, lực bán khiến nhiều cổ phiếu giảm sàn. “Tôi thấy chưa bao giờ cổ phiếu ngân hàng rẻ như thế trong hai năm trở lại đây. Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm nay trên mức 30%, rất nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý III khả quan. Đây là cơ hội vàng để sở hữu cổ phiếu ngân hàng tròng vòng 1 năm tới”, Phó Tổng Giám đốc CSI đánh giá.

Còn theo bộ phận phân tích Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), ngành ngân hàng sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong dài hạn nhờ quá trình chuyển đổi số trong hệ thống đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư. Cùng với đó, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng cũng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.

Trong báo cáo phân tích mới đây, quỹ ngoại VinaCapital nhận định ngành ngân hàng tiếp tục có sức hấp dẫn cao trong dài hạn do tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt, tỷ lệ thâm nhập của các khoản vay thế chấp và bán lẻ thấp và thu nhập tăng. Điều đó hàm ý rằng Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển kinh tế, do đó ngành ngân hàng của đất nước chưa đến giai đoạn bão hòa.

Tuy nhiên, chuyên gia của VinaCapital cũng chỉ ra những lo lắng đối với ngành ngân hàng trong ngắn hạn. Theo đó, những lo ngại đối với ngành ngân hàng có thể đến từ: (1) biên lợi nhuận mỏng, do chi phí huy động vốn cao hơn và điều chỉnh lãi suất cho vay chậm hơn, một phần là do Chính phủ kêu gọi hạn chế tốc độ tăng lãi suất cho vay; và (2) rủi ro được nhận thấy đối với chất lượng tài sản từ trái phiếu doanh nghiệp có khả năng không thể tái cấp vốn, chuyển nhượng hoặc hoàn trả trong bối cảnh các yêu cầu phát hành chặt chẽ hơn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm