Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng 20/10: SHB, TCB dẫn đầu giảm giá, khối ngoại gom mạnh cổ phiếu Big4

Giống như thị trường chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch tương đối ảm đạm trong phiên giao dịch hôm nay 20/10. Kết phiên, toàn ngành ngân hàng ghi nhận 12 mã giảm giá, 8 tăng, 7 mã đứng giá tham chiếu.

Trong đó, SHB dẫn đầu xu hướng giảm khi mất 2,7% xuống còn 10.850 đồng/cp. Đây là phiên giảm giá thứ ba liên tiếp của cổ phiếu này với tổng mức mất giá gần 5,7%. Trước đó, SHB đã có 4 phiên tăng mạnh liên tiếp, đưa thị giá tăng từ 9.400 đồng lên 11.500 đồng, tương đương tỷ suất hơn 22%.

Cùng với SHB, TCB cũng lao dốc 2,4% xuống còn 24.600 đồng/cp. TCB giảm sâu bất chấp thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý III vừa được Techcombank công bố. Theo đó, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6.715 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế Techcombank đạt 20.800 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

VIB, BAB và MBB cũng là những mã ghi nhận mức giảm trên 2% khi kết thúc phiên giao dịch hôm nay. Trong khi LPB, ABB, BVB mất hơn 1%.

Ở chiều ngược lại, VBB có có diễn biến giá tốt nhất ngành ngân hàng khi bật tăng 3,2% nhờ lực cầu tăng mạnh vào cuối phiên.

VCB cũng ghi nhận mức tăng 1,9% và là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến Vn-Index, kéo chỉ số này tăng hơn 1,5 điểm.

Sáu mã ngân hàng khác cũng đóng cửa trong sắc xanh gồm ACB (+1,2%), HDB (+0,6%), BID (+0,5%), OCB (+0,4%), TPB và CTG (+0,2%).

Trong đó, OCB được kéo mạnh vào cuối phiên chiều lên chốt mức cao nhất ngày 13.550 đồng/cp. Sau 7 phiên gần nhất, OCB có 6 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu với tổng tỷ suất sinh lời hơn 10%. Nhà đầu tư nước ngoài cũng có 6 phiên liên tục mua ròng cổ phiếu này với tổng khối lượng hơn 160.000 đơn vị.

Thanh khoản nhóm ngân hàng hôm nay tiếp tục ở mức thấp. Trong đó, STB tiếp tục dẫn đầu toàn ngành với hơn 13,2 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trực tiếp. Xếp sau lần lượt là VPB (8,7 triệu cp), SHB (7,3 triệu cp), MBB (6,8 triệu cp), LPB (5,5 triệu cp), TCB (5,2 triệu cp),…

Đối với giao dịch thỏa thuận, EIB được trao tay khối lượng lớn với hơn 12,9 triệu đơn vị, giá trị 511 tỷ đồng. Các giao dịch thỏa thuận tại EIB diễn ra sôi động trong những ngày gần đây sau khi nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Thành Công thông báo thoái hơn 117,6 triệu cổ phần Eximbank.

Ngoài EIB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra nhộn nhịp tại nhiều mã ngân hàng khác như TPB (7,8 triệu cp), SHB (3,6 triệu cp), TCB (1,15 triệu cp),…

Về giao dịch của khối ngoại, nhóm này tiếp tục mua ròng mạnh STB với khối lượng hơn 3 triệu đơn vị. Trước đó, nhóm này cũng đã gom gần 1,5 triệu cổ phiếu STB trong phiên giao dịch 19/10.

Cùng với STB, khối ngoại cũng mua ròng mạnh CTG (gần 1,2 triệu cp), VCB (473.000 cp), HDB (hơn 400.000 cp), BID (hơn 300.000 cp), HDB (133.000 cp),…

Trong báo cáo phân tích mới đây, quỹ ngoại VinaCapital nhận định ngành ngân hàng tiếp tục có sức hấp dẫn cao trong dài hạn do tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt, tỷ lệ thâm nhập của các khoản vay thế chấp và bán lẻ thấp và thu nhập tăng. Điều đó hàm ý rằng Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển kinh tế, do đó ngành ngân hàng của đất nước chưa đến giai đoạn bão hòa.

Tuy nhiên, chuyên gia của VinaCapital cũng chỉ ra những lo lắng đối với ngành ngân hàng trong ngắn hạn. Theo đó, những lo ngại đối với ngành ngân hàng có thể đến từ: (1) biên lợi nhuận mỏng, do chi phí huy động vốn cao hơn và điều chỉnh lãi suất cho vay chậm hơn, một phần là do Chính phủ kêu gọi hạn chế tốc độ tăng lãi suất cho vay; và (2) rủi ro được nhận thấy đối với chất lượng tài sản từ trái phiếu doanh nghiệp có khả năng không thể tái cấp vốn, chuyển nhượng hoặc hoàn trả trong bối cảnh các yêu cầu phát hành chặt chẽ hơn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm