Trong báo cáo chiến lược đầu tư trước phiên hôm nay, nhiều nhóm phân tích kỳ vọng VN-Index có khả năng tiếp tục phục hồi lên vùng 1.380 điểm. Động lực tăng điểm được dự đoán đến từ dòng tiền bắt đáy những cổ phiếu vốn hoá lớn có kết quả kinh doanh tích cực nhưng giá chiết khấu mạnh trong thời gian qua.
Tuy nhiên, thực tế lại khác hoàn toàn. Các mã bluechip là đối tượng chịu áp lực bán mạnh nhất từ khi mở cửa đến chốt phiên, trở thành tác nhân chính khiến chỉ số đại diện sàn TP HCM mất 18 điểm, đóng cửa tại 1.347 điểm – vùng giá thấp nhất bốn phiên. 10 mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung đều thuộc rổ VN30, trong đó 6 mã ngân hàng, với biên độ phổ biến 2,5-4,8%.
Ban đầu, các mã vốn hoá vừa và nhỏ ngược dòng nhóm VN30. Tuy nhiên, áp lực xả hàng lan nhanh và rộng khiến nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, phân bón... cũng đảo chiều về dưới tham chiếu trong những phút cuối phiên. Tổng số cổ phiếu giảm trên sàn TP HCM hôm nay lên đến 300 mã, trong đó 16 mã mất hết biên độ.
Các cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC như FLC, ART, AMD, KLF, HAI đều giảm hết biên độ và không có bên mua. ROS diễn biến khả quan nhất trong nhóm này nhưng cũng mất 4,9%, xuống sát vùng giá 5.000 đồng. Một số mã liên quan đến Louis Holdings như TGG, BII, VKC cũng giảm sàn.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu dầu khí hút mạnh dòng tiền và đồng loạt tăng so với tham chiếu. Ba mã vốn hoá lớn của ngành dầu khí đều góp mặt trong danh sách những trụ đỡ quan trọng nhất của VN-Index, cá biệt là POW tăng trần và không có bên bán. Nhóm xây dựng cũng diễn biến tích cực khi CTD, HCB và VCG đều tăng trên 4%.
Thị trường có phiên thứ tư liên tiếp ghi nhận giá trị giao dịch không quá 20.000 tỷ đồng. Hôm nay, nhà đầu tư chỉ sang tay 528 triệu cổ phiếu, tương ứng 14.450 tỷ đồng – thấp hơn phiên cuối tuần trước 4.000 tỷ đồng. Rổ VN30 hôm nay bị bán mạnh nhưng khớp lệnh cũng chưa đến 5.000 tỷ đồng. Với giá trị khớp lệnh hơn 630 tỷ đồng, HPG bỏ xa những cổ phiếu xếp sau trong bảng xếp hạng thanh khoản.
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 620 tỷ đồng nhưng bán ra hơn 920 tỷ, đánh dấu phiên giao dịch ảm đạm nhất từ đầu năm đến nay của khối. Nhóm này tập trung bán DGC, TCB, FPT và HPG.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường đang trong xu hướng giảm. Tuy nhiên, chỉ báo tâm lý ngắn hạn cho thấy nhà đầu tư đã thoát khỏi giai đoạn bi quan quá mức nên cơ hội tăng điểm trong những phiên tiếp theo sẽ tăng dần.
Đồng quan điểm, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng dòng tiền lớn đang ở trạng thái chờ đợi để giải ngân trở lại. Ước tính số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán vào cuối quý I khoảng 100.000 tỷ đồng, cho thấy nhà đầu tư không bi quan về thị trường mà đang chờ những cổ phiếu giá tốt xuất hiện hoặc thị trường chung có mức chiết khấu mạnh hơn nữa.