Bất động sản

Chủ tịch HoREA: "Nhà trọ được xem như một mô hình nhà ở xã hội, nhưng lại không được công nhận là nhà ở xã hội"

Tại tọa đàm "Nhà ở xã hội: Đột phá từ chính sách mới" do Báo Lao động tổ chức, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá Luật Nhà ở sửa đổi 2023 có sự tiến bộ nhất từ trước đến nay, với các chính sách nhà ở cũng được xem là toàn diện và ưu việt nhất.

Một điểm đổi mới đáng chú ý trong các luật hiện hành, bao gồm Luật Nhà ở 2023, là việc giảm thiểu tình trạng chồng chéo giữa các luật. Luật này không "đá chân" qua các luật khác, giúp việc triển khai trở nên rõ ràng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc Quốc hội đưa vào chương trình sửa đổi Luật Thuế Thu nhập cá nhân sắp tới là một tín hiệu tích cực, mang lại hy vọng cho các nhóm đối tượng như người tham gia nhà ở xã hội và chủ nhà trọ.

Về ưu đãi tín dụng, từ ngày 1/8/2024, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã ban hành văn bản áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội ở mức 6,6%. Tuy nhiên, mức lãi suất này được đánh giá là chưa phù hợp, gây khó khăn cho cả nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội lẫn người mua nhà.

Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội có nhiều chính sách áp dụng lãi suất thấp hơn cho các lĩnh vực khác nhưng lại không mở rộng cho đối tượng mua nhà ở xã hội. Điều này khiến việc sở hữu nhà ở xã hội trở nên khó khăn hơn đối với người có nhu cầu thực sự.

Cũng theo ông Châu, mặc dù Luật Nhà ở 2023 có nhiều chính sách mới, tích cực hơn nhưng các văn bản dưới luật vẫn còn nhiều vấn đề cần cân nhắc. Ông nêu trường hợp một số doanh nghiệp tự dùng nguồn vốn cá nhân để phát triển dự án nhà ở xã hội mà không nhận bất kỳ ưu đãi nào từ nhà nước nhưng vẫn bị yêu cầu kiểm toán, gây thêm áp lực.

Về thủ tục đầu tư, ông Châu chỉ ra rằng các quy định hiện hành còn tồn tại nhiều điểm vướng mắc. Hiệp hội đã kiên trì kiến nghị tháo gỡ những bất cập này. Nghị định 115/2024 mới ban hành đã sửa đổi một số quy định để giải quyết vấn đề nhưng vẫn còn vướng mắc liên quan đến xây dựng và quy hoạch phân khu. Nhiều quy hoạch phân khu cũ chưa được tích hợp và điều chỉnh, dẫn đến tình trạng bế tắc. Ông Châu nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu là "linh hồn" của quy hoạch, nếu không được điều chỉnh, mọi hoạt động sẽ bị đình trệ.

Chủ tịch HoREA cho rằng, nhà trọ được xem như một mô hình nhà ở xã hội, nhưng lại không được công nhận là nhà ở xã hội. Đây là một bất cập rất vô lý cần được xem xét và điều chỉnh.

Còn về mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, kết quả thực hiện đến nay còn quá thấp. Trên cả nước, chỉ đạt khoảng 10% kế hoạch, trong khi tại TP.HCM con số này thậm chí chỉ đạt 2,39%.

Năm ngoái, TP.HCM đã bàn giao hai dự án nhà ở xã hội. Hiện nay, thành phố đang triển khai tám dự án khác, và nếu thủ tục được giải quyết suôn sẻ, có thể sẽ bổ sung thêm một dự án nữa. Tuy nhiên, với tiến độ này, số lượng vẫn là quá ít so với nhu cầu thực tế.

Phát triển nhà ở xã hội cho thuê nên được coi là định hướng chủ đạo. Khảo sát gần đây cho thấy nhu cầu thuê nhà ở xã hội của công nhân và người lao động cao hơn nhiều so với nhu cầu mua. Điều này phù hợp với khả năng tài chính và điều kiện sống của đa số người lao động.

"Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, cần tập trung vào các yếu tố cốt lõi như quỹ đất, hỗ trợ tín dụng và đơn giản hóa thủ tục đầu tư. Chi phí mua đất cần được tính toán đúng và đủ, đồng thời lãi suất cho vay nên được giảm để tạo điều kiện thuận lợi hơn. Việc phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt tại TP.HCM, là một nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự chung tay và hỗ trợ từ toàn xã hội để có thể đạt được các mục tiêu đề ra", ông Châu nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm