Sau chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch ngày 21/2. Kết phiên, chỉ số chính VN-Index ghi nhận giảm 0,02 điểm để đóng cửa ở mức 1.230,04 điểm. Thanh khoản trên sàn HoSE đạt gần 22.600 tỷ đồng. Tăng nhẹ so với con số 21.122 tỷ đồng của phiên liền trước.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng 0,35 điểm để đóng cửa ở mức 233,84 điểm. Chỉ số Upcom-Index cũng tăng 0,08 điểm để đóng cửa ở ngưỡng 90,61 điểm.
Trái ngược với sự điều chỉnh của chỉ số VN-Index, mã cổ phiếu TPB của Ngân Hàng TMCP Tiên Phong có phiên giao dịch tích cực khi ghi nhận mức tăng 4% so với phiên liền trước để đóng cửa ở mức 19.500đ/cổ phiếu. Với mức tăng này, TPB là mã tăng mạnh nhất nhóm bluechip trong phiên giao dịch ngày 21/2. Không chỉ tăng mạnh về giá, thanh khoản của TPB cũng tăng mạnh với gần 32 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay.
TPB là mã cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm bluechip trong phiên giao dịch ngày 21/2 - Ảnh chụp màn hình
Cổ phiếu TPB có phiên tăng mạnh sau thông tin nhà băng này đã chính thức sở hữu 75% vốn của Quản lý quỹ Việt Cát (VFC). Kết quả trên sau khi TPBank đã chi 75 tỷ đồng để mua 7,5 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ kết thúc vào ngày 30/1 (trước đó chưa sở hữu). TPBank đồng thời trở thành cổ đông lớn nhất tại VFC. 25% vốn còn lại thuộc về 3 cổ đông cũ, gồm ông Nguyễn Anh Vũ 14,5% vốn, bà Hồ Thị Thùy Giang 6% vốn, bà Nguyễn Thanh Hương 4,5% vốn. Hiện Quản lý quỹ Việt Cát vươn lên trong top 20 trong hơn 40 công ty quản lý quỹ trong ngành, xét theo quy mô vốn điều lệ.
Đà tăng của TPB không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông, mức tăng này cũng giúp khối tài sản của cha con đại gia Đỗ Anh Tú có thêm hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, ông Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch TPB cùng 2 người con là Đỗ Minh Quân và Đỗ Quỳnh Anh đang trực tiếp nắm giữ gần 223 triệu cổ phiếu TPB, với mức tăng trong phiên khối tài sản của đại gia 62 tuổi và 2 người con ghi nhận mức tăng thêm gần 200 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, ông Tú và 2 con đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản có giá trị hơn 4.343 tỷ đồng.
Trong khi đó, dù VN-Index đã chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp bằng phiên điều chỉnh nhẹ ngày 21/2, tuy nhiên nhận định về xu hướng thị trường ở phiên giao dịch tiếp theo chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index sẽ tiếp tục những nỗ lực tăng giá để chạm vào vùng kháng cự quanh 1.240 điểm. Sự giằng co vẫn xuất hiện trên diện rộng giữa lực bán thúc đẩy bởi kháng cự và lực mua thúc đẩy bởi đường MA5 đang nằm tại 1.225 điểm. Theo Vietcap, nếu lực mua không thể chiếm ưu thế giúp VN-Index vượt kháng cự, nhiều khả năng một nhịp điều chỉnh giảm sẽ sớm xuất hiện từ vùng 1.240 điểm này.
Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và khả năng duy trì đà tăng trong phiên kế tiếp. Mặc dù nhịp điều chỉnh đã xuất hiện trong phiên 21/02/2024, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng thêm trong một vài phiên tới. Tuy nhiên, theo quan sát của Yuanta, cơ hội mua mới rất hạn hẹp và nhà đầu tư không có quá nhiều sự lựa chọn trong giai đoạn này, dòng tiền vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và cung cầu tỏ ra khá cân bằng. Điều này cũng cho thấy lực cầu ngắn hạn vẫn đang rất tốt khi mà nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng nhiều. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng cho thấy nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Trong khi đó, chuyên gia của CTCK Agribank (Agriseco) nhận định mặc dù xu hướng tăng điểm hiện vẫn đang được bảo lưu, thị trường đang đối mặt với rủi ro trải qua một nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn nhắm giải tỏa áp lực chốt lời sau một nhịp tăng điểm tương đối dốc. Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư hạ dần tỷ trọng các vị thế trading ngắn hạn khi chỉ số tiến gần tới vùng cản đã đề cập. Chỉ ưu tiên mua mới trở lại trong các nhịp điều chỉnh thanh khoản thấp về lại ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.200-1.210 với một số nhóm ngành như ngân hàng, khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng.