Tài chính

Cảnh giác với nhiễu loạn thông tin lãi suất huy động vọt lên 2 con số

Cuộc đua lãi suất huy động liên tục nóng trong những ngày gần đây, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định tăng mạnh một loạt lãi suất điều hành lần thứ hai liên tiếp vào ngày 24/10.

Và đến nay, chỉ một tuần sau quyết định của Nhà điều hành, lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại thậm chí đã lên 2 con số. Tuy nhiên, trên thực tế, để được hưởng mức lãi suất này là điều không dễ. Thậm chí số tiền lãi thực khách hàng được nhận thấp hơn nhiều so với mức ngân hàng công bố do "chiêu" quảng cáo của ngân hàng.

NamABank mới đây trở thành một "hiện tượng" trên thị trường khi treo biểu lãi suất huy động cao lên tới 11%/năm, dành cho khách hàng cá nhân. Đây là mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 9 tháng tại chương trình huy động tiền gửi Happy Future.

Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là mức lãi suất hấp dẫn này không được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi mà chỉ được áp dụng trong 3 tháng đầu. 6 tháng tiếp theo, lãi suất sẽ được điều chỉnh về mức 5,95%/năm.

Như vậy, tính bình quân thì lãi suất nếu gửi theo sản phẩm này chỉ ở mức 7,63%/năm, chưa thực sự hấp dẫn nếu so với mức lãi suất của một số ngân hàng khác ở cùng kỳ hạn. Trong khi, nếu gửi theo chương trình, khách hàng cũng không được rút trước hạn. Theo đó, mức 11% nói trên như là một "chiêu" thu hút sự chú ý của người gửi tiền mà thôi.

Trương tự, ở các kỳ hạn khác, mức lãi suất cao cũng chỉ được áp dụng cho một khoảng thời gian nhất định, hết thời gian này, khách hàng sẽ nhận mức lãi suất 5,95%/năm. Cụ thể, trường hợp gửi 12 tháng thì 6 tháng đầu có lãi suất 9,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm; kỳ hạn 18 tháng thì 12 tháng đầu có lãi suất 8,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm…

Một ngân hàng khác cũng đang có lãi suất huy động hai con số là NCB với mức 10,5%/năm. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng cá nhân phải gửi tối thiểu 500 tỷ đồng vào nhà băng. Ngoài ra, trước khi gửi tiền, khách hàng cần liên hệ với ngân hàng và được NCB đồng ý.

Tại VPBank, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings kỳ hạn 36 tháng cũng vừa được điều chỉnh lên mức cao nhất tới 10,02%/năm. Tuy nhiên, cũng như NamABank, mức lãi suất này chỉ được áp dụng trong tháng đầu tiên, các tháng sau chỉ còn 8,35%/năm.

Tương tự, ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tháng đầu là 10%/năm, tháng sau 8,33%/năm; khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hưởng mức lãi suất tháng đầu là 9,68%/năm, tháng sau còn 8,07%/năm; kỳ hạn gửi 6 tháng có lãi suất 9,17%/năm ở tháng đầu, tháng sau còn 7,65%/năm…

Theo giới chuyên gia, trong giai đoạn các ngân hàng đang "chạy đua" tăng lãi suất huy động như hiện nay, việc một số thành viên dùng "chiêu" quảng cáo nhằm thu hút tiền gửi từ dân cư là điều không mới. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa người gửi tiền cần đọc kỹ thông tin cũng như các điều khoản trong hợp đồng để tránh xảy ra các trường hợp khó xử đáng tiếc sau này.

Ngoài ra, cũng cần cảnh giác với sự nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội, khi nhiều người chuyền tay thông tin chào mời lãi suất huy động lên tới 10,6% thậm chí 11%/năm... Ngoại trừ cá biệt và đặc thù của một số công ty tài chính (khác với ngân hàng thương mại), thì tính xác thực của những mời chào này còn phải xem xét.

Phóng viên đã liên hệ và kiểm tra một số thông tin chào mời đó nhưng phía các hội sở các thông tin liên quan cũng "ngạc nhiên" và phủ nhận; thậm chí có trường hợp số điện thoại trên thông tin chào mời không có thực hoặc không liên lạc được; đặc biệt còn có cả trường hợp chào trái phiếu kỳ hạn... 1 tháng lãi suất 11% không có thực...

Theo đó, có thể xem những thông tin trên đang góp phần gây nhiễu loạn thị trường tiền gửi hiện nay, cũng như đối với tâm lý thị trường nói chung.

Diễn biến lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn phức tạp

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng khi các yếu tố trong và ngoài nước đều không thuận lợi, ngày 24/10, NHNN đã thực hiện tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản trước kỳ họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 11.

Với mức điều chỉnh kể trên, mặt bằng lãi suất đã cao hơn thời điểm trước đại dịch COVID – 19 khoảng 50-100 điểm cơ bản. Việc tăng lãi suất này không gây quá nhiều bất ngờ cho thị trường, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại SSI Research, diễn biến lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn còn khá phức tạp.

Các NHTM trong hệ thống đều đã đồng loạt điều chỉnh tăng 30 – 100 điểm cơ bản tùy kỳ hạn, trong đó kỳ hạn dưới 6 tháng ở hầu hết các NHTMCP đã đẩy lên mức trần 6%.

Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.

Theo nhìn nhận của chuyên gia, tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước đại dịch COVID - 19, hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 300-400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.

Về tăng trưởng tín dụng, số liệu mới cập nhật từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 20/10, và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 11,38%, M2 tăng 3,09% và huy động vốn tăng 4,8%. Như vậy, chênh lệch huy động – tín dụng vốn đã rơi vào trạng thái âm kể từ tháng 7 và phần nào có sự cải thiện nhẹ (mặc dù chưa quá rõ ràng), sau khi mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh trong 2 tháng qua.

Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, NHNN cũng cho biết diễn biến huy động vốn và tín dụng trong năm 2022 đã đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Do vậy, việc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10 là phù hợp nhằm bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, và có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm