Văn phòng T.Ư Đảng vừa có thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới.
Theo đó, sau khi xem xét đề nghị của Bộ GD-ĐT, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng các trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở tại 248 xã biên giới đất liền.

Trường tiểu học và THCS Lý Tự Trọng tại xã biên giới Đắk Búk So, H.Tuy Đức, Đắk Nông (cũ), nay là tỉnh Lâm Đồng
ẢNH: THANH QUÂN
Bộ Chính trị nhận định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nhân lực, tạo nguồn cán bộ là người dân tộc, địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào vùng biên giới, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh.
Trước mắt, thí điểm đầu tư hoàn thành xây mới hoặc cải tạo 100 trường trong năm 2025 (chậm nhất là đến thời điểm khai giảng năm học sau). Các trường này sẽ là hình mẫu để sau đó tiếp tục triển khai diện rộng, hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng 248 trường trong 2 - 3 năm tới.
Các trường được đầu tư phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô, diện tích trường, lớp; có đủ cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, rèn luyện văn hoá, tinh thần, thể chất, điều kiện sinh hoạt và tuyệt đối an toàn.
Kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ việc xây trường
Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng và ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới triển khai thực hiện chủ trương trên.
Trong đó, chỉ đạo Đảng ủy Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan theo hướng bảo đảm học sinh ở xã biên giới đất liền được hưởng chính sách nội trú, bán trú phù hợp với thực tiễn khó khăn về địa hình và khoảng cách địa lý.
Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án bố trí giáo viên phù hợp trên cơ sở rà soát biên chế giáo viên hiện có và nhu cầu trong thời gian tới, đào tạo giáo viên biết tiếng dân tộc, đề xuất ngân sách để duy trì hoạt động của các nhà trường và chế độ phụ cấp cho giáo viên phù hợp điều kiện mới.
Đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích nhân lực tham gia phục vụ các xã biên giới và phương án để các trường học trên toàn quốc kết nghĩa với các trường tại các xã biên giới nhằm giao lưu, gắn kết và hỗ trợ các trường khó khăn ở khu vực biên giới.
Đảng ủy Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Dân tộc và Tôn giáo xây dựng các thiết kế mẫu chuẩn của trường nội trú liên cấp để các địa phương có căn cứ tham khảo, triển khai thực hiện phù hợp với địa phương.
Đảng ủy Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh và cơ quan có liên quan cân đối ngân sách T.Ư, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để quyết định tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư và cơ chế lựa chọn nhà thầu để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng 248 trường nội trú liên cấp. Đồng thời, có giải pháp duy trì kinh phí hoạt động thường xuyên hằng năm của các trường.
UBND các tỉnh biên giới phối hợp với Bộ NN-MT tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, chịu trách nhiệm bố trí quỹ đất xây trường học bảo đảm hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến việc xây dựng nhà trường (điện, nước sạch, nước thải, giao thông…).
Bộ Chính trị cũng giao Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể T.Ư phát động kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội chung tay tham gia hỗ trợ việc xây dựng, cải tạo trường học cho các xã biên giới.