Tài chính

Bảo Việt, Prudential, Manulife, Dai-ichi và AIA gửi hàng trăm nghìn tỷ tại ngân hàng, hưởng lợi kép khi lãi suất tăng mạnh?

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện đang được thống lĩnh bởi 5 doanh nghiệp là Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Prudential, Manulife Việt Nam, Dai-ichi Việt Nam và AIA khi chiếm gần 80% thị phần phí bảo hiểm gốc và gần 70% thị phần doanh thu khai thác mới.

Do đặc thù kinh doanh, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là những đơn vị sở hữu lượng lớn tiền gửi ngân hàng. Số tiền này được hạch toán vào các khoản đầu tư tài chính và tiền gửi thanh toán dùng để chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.

Trong số 5 doanh nghiệp bảo hiểm trên, có duy nhất BVH niêm yết trên sàn chứng khoán và công bố báo cáo tài chính theo quý; 4 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại chỉ công bố báo cáo tài chính theo năm và số liệu mới nhất được cập nhật là vào cuối năm 2021.

Tại Tập đoàn Bảo Việt , tiền gửi ngân hàng là bộ phận tài sản lớn nhất với gần 102.600 tỷ đồng tại thời điểm 30 tháng 9, tăng gần 15.300 tỷ so với cuối năm trước (tương đương 17,5%). Trong đó, tiền gửi ngắn hạn là gần 92.000 tỷ và tiền gửi dài hạn ở mức hơn 10.600 tỷ. Ngoài ra, tập đoàn này còn sở hữu 678 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng dưới dạng tiền gửi thanh toán, tương đương tiền.

BVH cho biết, ngoài các hợp đồng tiền gửi tại ALCII, VFC đã quá hạn, các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND tại các tổ chức tín dụng có thời hạn gốc trên 3 tháng và thời gian đáo hạn không quá 1 năm và có mức lãi suất từ 3,9% đến 7%/năm. Các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND có thời gian đáo hạn trên 1 năm và được hưởng lãi suất từ 5,2%/năm đến 10,5%/năm.

Trong 9 tháng đầu năm, BVH ghi nhận khoản lãi tiền gửi gần 3.919 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp hơn một nửa doanh thu tài chính của doanh nghiệp này. Riêng quý 3, BVH được hưởng khoản lãi tiền gửi gần 1.406 tỷ đồng, tăng gần 25,7% so với cùng kỳ.

Còn theo báo cáo tài chính riêng năm 2021 của Prudential Việt Nam, doanh nghiệp này có gần 44.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng vào cuối năm ngoái và nhận về 1.914 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2021.

Với Manulife Việt Nam, doanh nghiệp này cho biết có hơn 14.300 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng vào cuối năm 2021, gồm hơn 12.300 tỷ đồng tiền gửi bằng nội tệ hưởng lãi từ 0,2 – 8%/năm và hơn 2.000 tỷ tiền gửi bằng USD nhận lãi 0%. Trong năm 2021, các khoản tiền gửi ngân hàng mang về cho Manulife Việt Nam gần 217 tỷ đồng tiền lãi.

Tại Dai-ichi Việt Nam, doanh nghiệp này có gần 9.500 tỷ tiền gửi ngân hàng vào cuối năm 2021 và hưởng hơn 410 tỷ đồng tiền lãi. Với AIA Việt Nam, số tiền gửi ngân hàng ghi nhận vào cuối năm ngoái đạt hơn 12.500 tỷ và số tiền lãi doanh nghiệp này nhận về trong năm 2021 là hơn 500 tỷ.

Doanh nghiệp Bảo hiểm nhân thọ hưởng lợi kép khi lãi suất tăng mạnh?

Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán VnDirect cho biết các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ hưởng lợi kép từ việc lãi suất tăng cao.

VnDirect cho biết, lãi suất tăng cao sẽ là một động lực tăng trưởng lợi nhuận quan trọng cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2023 . So với giai đoạn 2020-2021, lợi suất đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm đã giảm đi trong 9 tháng đầu năm 2022 do thị trường chứng khoán lao dốc và lãi suất huy động không tăng đáng kể cho đến tháng 9/10 sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 2 điểm %.

Điểm sáng là lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân hiện đã tăng trung bình 1,9 và 2,75 điểm % so với đầu năm. Do đó, từ quý IV/22 trở đi, nhóm phân tích kỳ vọng các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bắt đầu đạt được lợi suất đầu tư tốt hơn do phần lớn danh mục đầu tư của họ nằm ở tiền gửi ngân hàng/trái phiếu doanh nghiệp (chủ yếu với lãi suất thả nổi).

Mặt khác, VnDirect cho rằng theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải trích lập dự phòng toán học cho hầu hết các hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm truyền thống nói chung theo phương pháp phí bảo hiểm thuần như sau: Dự phòng toán học = Giá trị hiện tại của trách nhiệm bảo hiểm trong tương lai – Giá trị hiện tại của phí thuần sau điều chỉnh.

Trong đó, phí thuần sau điều chỉnh không được cao hơn 100% phí thực thu (tỷ lệ này từng ở mức 90% và được điều chỉnh lên 100% vào cuối năm 2020). Lãi suất chiết khấu kỹ thuật không được cao hơn 80% lãi suất bình quân của trái phiếu chính phủ ( TPCP) có kỳ hạn từ 10 năm trở lên được phát hành trong vòng 24 tháng kể từ ngày phát hành.

Việc lợi suất TPCP liên tục giảm trong 1 thập kỷ qua đã dẫn đến chi phí dự phòng toán học tăng cao. Một dẫn chứng cho việc áp lực dự phòng có thể gây ảnh lớn lên lợi nhuận là từ năm 2015 đến năm 2021, phí bảo hiểm nhân thọ của Tập đoàn bảo Việt đã tăng gấp 3 lần từ 10.100 tỷ đồng lên 30.500 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ tăng hơn 30%.

Trong thời gian tới, nhóm phân tích kỳ vọng áp lực dự phòng toán học sẽ giảm bớt khi lãi suất TPCP đã bắt đầu tăng mạnh. Cụ thể, lợi suất TPCP 10 năm của Việt Nam ở trên thị trường sơ cấp và thứ cấp đã lần lượt tăng xấp xỉ 2,5 và 3,1 điểm % so với đầu năm. Áp lực tăng lãi suất TPCP đến từ 1) các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là FED, thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, và việc này đã gây áp lực lên tỷ giá tiền đồng so với USD, và 2) Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công trong thời gian tới và khả năng cao sẽ phải phát hành TPCP nhiều hơn.

Bảo Việt, Prudential, Manulife, Dai-ichi và AIA gửi hàng trăm nghìn tỷ tại ngân hàng, hưởng lợi kép khi lãi suất tăng mạnh? - Ảnh 1.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm