Chúng ta đang sống trong một thế giới mất tập trung. Đó là một thế giới với internet, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại…tất cả đều đang muốn chẻ nhỏ sự chú ý của bạn ra thành từng mảnh.
Mỗi ngày thức dậy, bạn có thấy mình giống như đang bước vào một rạp xiếc khổng lồ? Một đống các sự lựa chọn bủa vây trước mắt bạn. Các ứng dụng, bài đăng, thiết bị và màn hình… tất cả đang co kéo sự tập trung của bạn. Chúng cạnh tranh nhau để chiếm lấy quyền kiểm soát ngón tay cái và ánh mắt của bạn.
Đó là cách sự tập trung của bạn đang được thu hoạch và đem bán, bởi những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Youtube và TikTok… Như một câu nói đã trở thành châm ngôn ở Thung lũng Silicon, nếu có thứ gì đó mà bạn được dùng miễn phí, thì bạn không phải là khách hàng, bạn chính là sản phẩm.
Johann Hari, một nhà báo người Anh mới đây đã viết một cuốn sách có tên là Stolen Focus (tạm dịch là "Sự tập trung bị đánh cắp"). Trong đó, anh đã điều tra kỹ lưỡng những gì đang xảy ra với khả năng tập trung của chúng ta.
Hari lập luận rằng tất cả chúng ta đều đang bị lạc lối trong cuộc sống của chính mình. Trong mọi khoảnh khắc, những thứ gây mất tập trung luôn diễu hành qua mắt chúng ta. Và càng ngày, cuộc diễu hành ấy càng trở nên đông đúc hơn.
Nhưng rốt cuộc, cả thế giới đã bị phân tâm như thế nào? Liệu chúng ta có thể lấy lại sự tập trung của mình, để làm việc của chính mình, thay vì cống hiến năng lượng đó cho Big Tech và những nhà quảng cáo hay không?
Câu trả lời cho những câu hỏi đó là thứ mà bạn có thể tìm thấy trong cuộc trò chuyện giữa Vox và Johann Hari. Họ đang thảo luận về một cuộc khủng hoảng thực sự, thứ mà có lẽ chúng ta chưa từng xem xét một cách nghiêm túc.
Nhưng một lần nữa, câu hỏi đặt ra là: Bạn có còn đủ tập trung để đọc hết bài viết này hay không?
Johann Hari: Tôi nhận thấy cứ mỗi năm trôi qua, có vẻ như sự chú ý của bản thân tôi lại kém đi đôi chút. Có cảm giác như những thứ đòi hỏi sự tập trung cao độ, chẳng hạn như đọc một cuốn sách hoặc xem một bộ phim dài, càng ngày càng giống với việc chạy ngược chiều trên thang cuốn.
Cần phải nói rằng tôi vẫn có thể làm được những điều đó, nhưng càng ngày, tôi thấy những nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn hơn. Và điều này không chỉ xảy ra với bản thân tôi, hầu hết những người mà tôi biết cũng đều có cảm giác như vậy.
Cảm giác này trở nên đặc biệt tồi tệ với giới trẻ, rất nhiều người trong số họ đang đi từ hết lo âu này sang lo âu khác như tốc độ của Snapchat.
Trong một thời gian dài, tôi đã tự nhủ: "Chà, mọi thế hệ đều phải vật lộn với sự chú ý của riêng mình". Bạn có thể đọc được lá thư trao đổi giữa hai nhà sư sống cách đây 1.000 năm, trong đó, một người nói với người kia rằng "Sự tập trung của tôi không còn được như trước đây nữa".
Nhưng hóa ra, sự suy giảm chú ý của nhà sư đó chỉ là do ông ấy đang già đi. Trí tuệ của ông ấy kém dần, và bạn đừng nhầm giữa sự lão hóa của chính mình với sự suy thoái của thế giới bên ngoài.
Thời đại ngày nay là thứ mà tôi tin đang gây ra một cuộc khủng hoảng mất tập trung nghiêm trọng. Đó là một cuộc khủng hoảng tập thể, và không còn từ nào để giải thích vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt hơn hai chữ "khủng hoảng".
Chúng ta cần hiểu rằng sự tập trung của chúng ta không bị sụp đổ, sự tập trung của chúng ta đã bị đánh cắp khỏi chính chúng ta bởi những thế lực hữu hình. Và điều đó khiến chúng ta phải có cái nhìn khác về vấn đề liên quan đến vấn đề của bản thân mình.
Hãy nghĩ về bất cứ điều gì bạn từng đạt được trong đời, cho dù đó là thành lập doanh nghiệp, học chơi guitar, trở thành một người cha, người mẹ tốt. Nếu bạn đã tự hào về nó, hẳn bạn đã phải dành một năng lượng tập trung lớn cho nó.
Nhưng bất cứ khi nào sự tập trung của bạn bị phá vỡ, thì mục tiêu của bạn cũng có khả năng bị đổ bể. Khả năng giải quyết vấn đề của bạn giảm đi đáng kể khi sự chú ý của bạn bị tách ra khỏi vấn đề mà bạn cần giải quyết.
Cuốn sách của tôi nói về sự tập trung ở hai cấp độ. Một là sự tập trung của từng cá nhân. Tất cả những điều tôi vừa nói đều đúng với từng cá nhân. Điều đó cũng đúng với sự tập trung của tập thể: Một xã hội không thể cùng nhau chú ý đến một vấn đề hệ trọng cần giải quyết là một xã hội đăng gặp khủng hoảng.
Vậy anh kém tôi 3 tuổi thôi. Thời của tôi với anh, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc khủng hoảng tầng ozone. Đó là một trong những kỷ niệm chính trị đầu tiên của tôi. Các bạn trẻ nhỏ tuổi bây giờ có thể không biết, hành tinh của chúng ta được bảo vệ bởi một tầng ozone, thứ giữ cho chúng ta an toàn khỏi bức xạ Mặt Trời.
Tôi nhớ ngày tôi còn bé, các nhà khoa học phát hiện ra rằng con người đang giải phóng một hóa chất được gọi là CFC. Hóa chất này có trong tủ lạnh, điều hòa và cả keo xịt tóc, nhưng chỉ một lượng nhỏ của nó thoát ra ngoài cũng có khả năng làm thủng tầng ozone trên bầu khí quyển.
Truyền thông khoa học trong thập niên 80 đã làm rất tốt công việc giải thích điều đó cho công chúng. Họ đã lắng nghe, họ có khả năng phân biệt sự thật đó với những lý thuyết dối trá và âm mưu. Thế là công chúng ngày đó đã tập hợp lại với nhau, gây sức ép buộc các chính trị gia của họ phải hành động.
Ngay cả các chính trị gia đối lập như Margaret Thatcher và George Bush Sr thời đó cũng tìm được tiếng nói chung trong khủng hoảng tầng ozone. Kết quả như anh thấy, lỗ thủng tầng ozone hiện đã được vá lại.
Nhưng hãy tưởng tượng nếu khủng hoảng tầng ozone không được giải quyết từ thập niên 80, mà chúng ta chờ tới tận thời điểm này mới bắt đầu làm điều đó. Tôi tin chắc rằng thời đại bây giờ không thể tạo ra được một sự tập trung tập thể như chúng ta đã làm vào 40 năm trước.
Vẫn sẽ có một nhóm người đeo huy hiệu tầng ozone ở thời đại này. Nhưng anh cũng sẽ tìm thấy một nhóm người khác phun CFC vào bầu khí quyển và tự quay phim hành động đó lại để thể hiện quan điểm chính trị.
Anh sẽ thấy nhiều người nói: "Làm sao chúng tôi biết tầng ozone có thật không hay chỉ là thứ mà các ông bịa ra?". Thời đại bây giờ là như vậy đó, nó sẽ khiến chúng ta lạc lối. Chúng ta sẽ không thể thu hút được một sự tập trung trên quy mô tập thể đủ lớn để làm điều này.
Tôi nghĩ anh đã có một giải thích tuyệt vời cho vấn đề này. Tôi nghĩ rằng sự đồng ý thụ động thậm chí còn tồi tệ hơn. Không phải là công chúng không thể tập hợp lại để bảo vệ bất cứ thứ gì. Trên thực tế, họ thường bị dắt mũi để tin tưởng và bảo vệ nhiệt thành cho những niềm tin điên rồ, chẳng hạn như thuyết âm mưu Qanon.
Đó là một thuyết âm mưu cực hữu hoàn toàn không có cơ sở. Họ tin rằng trên thế giới có một cộng đồng gọi là "cabal" - là những kẻ ấu dâm tôn thờ quỷ Satan chuyên ăn thịt người. Những cabal này đang điều hành một đường dây buôn bán tình dục trẻ em toàn cầu và có âm mưu chống lại Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang chiến đấu để chống lại họ.
Đó lại là một điều bất ngờ nữa. Khi tôi bắt đầu có ý tưởng để nói với mọi người rằng "Tôi nghĩ mình sẽ viết một cuốn sách về sự chú ý và sự tập trung", mọi người đều ồ lên và nói với tôi: "Vậy là anh sẽ viết một cuốn sách về điện thoại thông minh ư?".
Nghe chừng cũng có vẻ là như vậy. Nhưng càng nghiên cứu sâu vào vấn đề này, tôi càng thấy công nghệ không phải là thứ cố hữu khiến sự tập trung trong thời đại của chúng ta bị suy giảm.
Đúng là có những khía cạnh công nghệ đang làm tổn hại đến khả năng tập trung của chúng ta một cách sâu sắc. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được chúng.
Tôi đã dành nhiều thời gian ở Thung lũng Silicon, phỏng vấn một số nhà bất đồng chính kiến hàng đầu ở đó, những người đã thiết kế ra các khía cạnh công nghệ quan trọng của thế giới mà chúng ta đang sống.
Cách mà những khía cạnh ấy ảnh hưởng tới sự tập trung của mỗi cá nhân chúng ta đang dần được hiểu rõ. Một khi chúng ta hiểu, chúng ta sẽ biết cách để sửa chữa chúng và lấy lại sự tập trung của mình.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cách mà Big Tech, những công ty công nghệ lớn muốn chúng ta định hình cuộc tranh luận này. Họ luôn hỏi bạn là người ủng hộ công nghệ hay phản công nghệ?
Việc đóng khung bạn vào một trong hai nhóm người này sẽ tạo ra cái được gọi thuyết định mệnh, trong đó, chúng ta dĩ nhiên không bao giờ từ bở công nghệ của mình.
Câu hỏi thực sự mà Big Tech lờ đi không muốn chúng ta biết, đó là việc chúng ta muốn có loại công nghệ nào và nó nên phục vụ lợi ích của ai?
Đúng vậy, tâm điểm của vấn đề này chính là mô hình kinh doanh. Bạn cứ thử mở Facebook hoặc bất kỳ ứng dụng mạng xã hội nào mà xem, những công ty đó sẽ kiếm được tiền từ bạn ngay lập tức chỉ bằng một trong hai cách.
Cách đầu tiên là hiển nhiên. Bạn thấy quảng cáo và họ kiếm tiền từ quảng cáo. Nhưng cách thứ hai mới quan trọng hơn nhiều. Mọi thứ bạn làm trên Facebook đều được Facebook quét và sắp xếp để xây dựng lên một hồ sơ về bạn.
Vì vậy, giả sử rằng bạn thích Donald Trump và bạn nói với mẹ bạn rằng bạn vừa mua một vài bịch tã. Các thuật toán của Facebook sẽ quét bạn: Đây là một người thích Donald Trump, anh ấy có lẽ là người bảo thủ. Và anh ấy đang nói về tã, anh ấy chắc chắn đã có một em bé.
Facebook xây dựng hồ sơ về bạn để bán cho các nhà quảng cáo. Như mọi người ở Thung lũng Silicon luôn nói, bạn không phải là khách hàng của Facebook, bạn là sản phẩm mà họ bán cho các nhà quảng cáo.
Toàn bộ cơ chế và mô hình kinh doanh này rất hiệu quả: Mỗi khi bạn mở Facebook lên và vuốt, Facebook đã đang kiếm tiền từ bạn. Và mỗi khi bạn đóng Facebook lại, dòng doanh thu của Facebook từ bạn cũng biến mất.
Vì vậy, Facebook đã tập trung tất cả sức mạnh thuật toán của họ, tất cả trí tuệ của những thiên tài đang làm việc cho họ, một số là những người thông minh nhất thế giới chỉ để đảm bảo một mục tiêu: "Làm thế nào để bạn cầm điện thoại lên, mở Facebook càng nhiều và vuốt xuống càng lâu càng tốt?".
Đó là một câu hỏi thực sự quan trọng và là câu hỏi mà tôi phải vật lộn trong toàn bộ cuốn sách của mình. Có hai cách mà tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đưa ra kết luận hợp lý rằng chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng tập trung.
Cách lý tưởng là: Nếu có một ai đó sống ở 200 năm trước, thậm chí một thế kỷ trước, bắt đầu thực hiện các bài kiểm tra sự chú ý cho những người bình thường, và họ lặp lại các bài kiểm tra đó hàng năm một. Đó sẽ là bằng chứng hoàn hảo.
Chúng ta sẽ tự tin để đưa ra kết luận, giống như cách chúng ta biết rằng các bài kiểm tra IQ đã được thực hiện trong vòng một thế kỷ trở lại đây.
Tuy nhiên, sự thật là không có ai làm điều đó với bài kiểm tra sự chú ý hoặc tập trung. Chúng ta không có dữ liệu, vì vậy, chúng ta không thể đưa ra kết luận của mình theo cách đó.
Nhưng tôi nghĩ vẫn có một cách hợp lý mà chúng ta có thể dùng, để ngoại suy chất lượng của sự tập trung từ các cơ sở dữ liệu khác. Hãy xem xét một khía cạnh cụ thể là giấc ngủ. Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nếu bạn ngủ ít hơn, sự chú ý của bạn sẽ kém đi. Nếu bạn thức 19 giờ liên tục, sự tập trung của bạn sẽ trở nên tồi tệ như khi bạn say rượu.
Bằng chứng cho điều này thì nhiều vô kể. Có nhiều nghiên cứu theo dõi giấc ngủ cho thấy thời đại ngày nay chúng ta ngủ ít hơn so với trước đây. Chỉ 15% người Mỹ cảm thấy sảng khoái khi thức dậy. Chỉ riêng các số liệu ở Mỹ đã rất đáng kinh ngạc.
Tôi đã điểm qua chúng trong cuốn sách về tình trạng thiếu ngủ ở Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng con số này, nếu tôi nhớ không nhầm, là khoảng 37% người Mỹ ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm.
Khi tôi nói chuyện với Tiến sĩ Charles Czeisler, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về giấc ngủ tại Trường Y Harvard, ông ấy nói ngay cả khi đó là thay đổi duy nhất đã xảy ra, rằng chúng ta ngủ ít hơn rất nhiều, thì chỉ điều đó thôi cũng đã đủ để gây ra một cuộc khủng hoảng về sự tập trung.
Và những thay đổi này còn tương tác với những thay đổi khác nữa. Nếu đêm qua bạn chỉ ngủ được 6 tiếng, thì sáng nay khi thức dậy bạn sẽ có xu hướng mở điện thoại và vuốt xuống nhiều hơn. Vì vậy, bạn sẽ dễ bị tổn thương hơn bởi những công nghệ đang tấn công vào sự chú ý và tập trung của bạn.
Tôi nghĩ anh đã có những lập luận rất sắc sảo. Từ duy nhất tôi không đồng ý ở đây là "vòng lặp diệt vong", bởi vì có một cách để thoát khỏi viễn cảnh đó. Tôi học được điều này từ Jaron Lanier, một nhà bất đồng chính kiến về công nghệ xuất sắc và bản thân anh ấy cũng là một nhà công nghệ xuất sắc.
Trước đây, Lanier từng là cố vấn cho rất nhiều phim phản địa đàng, như Minority Report. Nhưng rồi một ngày anh ấy nói với tôi: "Tôi sẽ ngừng làm việc đó. Trong những bộ phim tôi đã thiết kế ra những công nghệ phản địa đàng để cảnh báo cho mọi người về một tương lai khủng khiếp có thể xảy ra. Nhưng những người làm công nghệ lại xem nó và ăn cắp ý tưởng đó. Họ nói "Ồ công nghệ này thực sự tuyệt vời. Chúng ta phải phát minh ra nó ngay thôi"".
"Không, không, không, đó đâu phải là điều mà tôi muốn truyền tải", Lanier nói. Và anh ấy đã giúp tôi thấy một ví dụ tương tự. Trước đây, chúng ta vẫn thường sơn nhà bằng sơn có chì và đổ xăng pha chì vào xe của mình. Tôi nhớ mẹ tôi đã đổ xăng pha chì vào xe hơi của bà ấy. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, từ thời La Mã cổ đại, việc tiếp xúc với chì thực sự không tốt cho con người.
Đến những năm 70, bằng chứng về tác hại của chì rõ ràng đến mức ai cũng nhận biết được điều đó. Hầu hết các bà mẹ đều nói: "Hãy nhìn xem, chì thực sự gây hại cho não bộ của con cái chúng ta. Chúng ta sẽ không thể để điều đó xảy ra nữa".
Nhưng điều quan trọng là, hãy nhìn vào những gì họ đã làm hoặc không làm. Họ không nói: "Hãy cấm xăng đi". Họ không nói: "Chúng ta phải cấm sơn". Điều họ nói là: "Hãy cấm sơn pha chì và xăng pha chì".
Vì vậy, chúng ta có thể đối phó với những gã khổng lồ công nghệ bằng luật pháp và quy định. Tôi nhớ Aza Raskin, người đã phát minh ra một phần quan trọng trong cách thức hoạt động của Internet - cha của anh ấy, Jef Raskin, chính là người đã phát minh ra Apple Macintosh cho Steve Jobs.
Aza có lần đã nói với tôi: "Bước đầu tiên của giải pháp thực sự đơn giản: Chúng ta cần phải cấm những mô hình kinh doanh hiện tại", cái mà giáo sư Shoshana Zuboff gọi là "chủ nghĩa tư bản giám sát ".
Đó là mô hình kinh doanh được xây dựng để khai thác điểm yếu trong sự chú ý và tập trung của chúng ta, rồi hack chúng và bán chúng cho những người trả giá cao nhất. Về cơ bản, mô hình kinh doanh đó vô đạo đức và vô nhân tính chẳng kém gì sơn pha chì. Đó là thứ mà chúng ta không cho phép tồn tại.
Tôi nhớ mình đã nói với Aza và nhiều người khác cũng tranh luận điều này với tôi: "Được rồi, hãy tưởng tượng một ngày chúng ta làm được điều đó. Điều gì xảy ra vào sáng sớm ngày hôm sau, khi tôi mở Facebook lên và nó chỉ nói: "Xin lỗi các bạn, chúng tôi đã đi câu cá rồi"?
Đó là kết quả của việc họ đã chuyển sang một mô hình kinh doanh khác. Và tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về hai mô hình kinh doanh có thể thay thế mô hình kinh doanh hiện tại mà các gã khổng lồ công nghệ đang sử dụng. Một là mô hình người dùng đăng ký. Mọi người đều biết các nền tảng như Netflix và HBO hoạt động như thế nào, đúng không?
Một mô hình khác mà mọi người có thể hình dung là một cái gì đó giống như hệ thống ống cống. Trước khi chúng ta xây dựng hệ thống ống cống trong các thành phố, chúng ta lúc nào cũng thấy đường phố ngập tràn rác và nước thải. Và rồi chúng khiến chúng ta phải đối mặt với dịch tả.
Vì vậy, tất cả mọi người đều đồng ý trả tiền để xây dựng một hệ thống ống cống. Hệ thống đó sau này trở thành một tài sản sở hữu chung của tất cả mọi người. Tôi sở hữu hệ thống ống cống ở London và Las Vegas, bạn sở hữu hệ thống ống cống ở thành phố nơi bạn đang sống.
Giống như tất cả chúng ta cùng sở hữu các đường ống dẫn nước thải, chúng ta cũng có thể muốn sở hữu các đường ống để cùng nhau loại bỏ thông tin rác.
Nhưng bất kể mô hình thay thế nào mà chúng ta muốn áp dụng, điều cốt yếu là phải hiểu trong mô hình mới này, sự chú ý và tập trung của bạn không còn là món hàng được rao bán nữa. Đột nhiên, bạn sẽ quay trở lại là một khách hàng thực thụ.
Trong thế giới đó, Facebook và các công ty truyền thông xã hội khác phải hỏi: "Bạn cần gì ạ?". Ồ, nếu thứ bạn cần là sự tập trung, họ sẽ phải thiết kế ứng dụng theo cách tối ưu hóa sự tập trung cho bạn, thay vì tấn công và làm xói mòn sự tập trung đó.
Còn nếu thứ bạn muốn là được gặp gỡ bạn bè ngoại tuyến, họ sẽ phải thiết kế ứng dụng để tạo điều kiện cho mọi người gặp gỡ nhau ngoài đời thực.
Tôi cho rằng chúng ta thực sự cần một phong trào đấu tranh cho sự tập trung của chính mình, để lấy lại và giành lại chúng. Và nó đòi hỏi một sự thay đổi từ tận sâu trogn quan điểm.
Ví dụ, khi tôi không thể tập trung để làm gì đó, theo lẽ tự nhiên tôi sẽ tự trách mình: "Ồ, mình thật yếu đuối. Mình đang thiếu ý chí". Nhưng chúng ta cần phải ngừng làm điều đó. Rõ ràng, sự tập trung của tất cả chúng ta đều đang bị mất cắp.
Nó giống như có người đổ bột ngứa vào người chúng ta, sau đó, hắn nói: "Anh biết không? Anh, chính anh đó phải học thiền định đi thôi. Học thiền xong thì anh sẽ không gãi nhiều như thế đâu".
Tâm lý đó chính là cái mà chúng ta phải thoát ra. Chúng ta phải nhắc nhở bản thân mình rằng chúng ta không phải những người nông dân thời Trung cổ, những người phải cầu xin một vị vua tên là Zuckerberg chỉ để đổi lấy một vài mẩu vụn bánh.
Tham khảo Vox, Harvard, Nytimes.