Còn trên thực tế xã hội đang nóng chuyện thuế thu nhập cá nhân chưa hợp lý, rồi sao không kéo dài giảm thuế VAT, chuyện thuế sàn thương mại điện tử, thuế đối với báo chí... Toàn là thuế "sát sườn", vì thế là cử tri, tôi thấy nghị trường bàn chuyện thuế chưa "đã" lắm.
Đúng là các vấn đề liên quan đến thuế như chấm dứt miễn thuế với hàng hóa có trị giá dưới 1 triệu đồng qua sàn thương mại điện tử; đề xuất không nên tăng mức thuế đối với các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao lên 10%; hay đề nghị cân nhắc phương án hoãn xuất cảnh cá nhân nợ thuế... cũng có được bàn tới.
Nhưng thời gian qua, biết bao cử tri có ý kiến, các đoàn đại biểu Quốc hội nhiều tỉnh thành phản ánh về thuế thu nhập cá nhân quá bất hợp lý.
Mà bất hợp lý này đâu có mới, cử tri kêu ròng rã mấy năm rồi, nhưng chỉ thấy Bộ Tài chính trả lời theo luật vẫn... đúng. Cử tri đành chịu. Ít thấy thêm ý kiến phản hồi của đại biểu Quốc hội trên nghị trường.
Rồi cái bất hợp lý của giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lại "vận" vào các hộ kinh doanh cá thể. Ngưỡng doanh thu tính thuế của các hộ này mới đưa ra bàn đã bị kêu là lạc hậu, là bán vài tô phở đã đến mức chịu thuế, nhưng rồi cũng vẫn chưa thấy tiếp thu.
Đâu chỉ kêu về chính sách thuế, xã hội còn kêu về cách quản lý thuế. Dù đã áp dụng hóa đơn điện tử, có xác thực nhưng tình trạng mua bán hóa đơn không thuyên giảm mà cứ ngày một tăng, không chỉ gây thất thoát thuế mà còn dẫn đến cảnh "con sâu làm rầu nồi canh", doanh nghiệp làm ăn chân chính bị ách tiền hoàn thuế.
Chuyện này nghe chưa ổn. Lẽ ra ngành thuế phải có trách nhiệm quản chặt để không xảy ra lợi dụng, chiếm đoạt tiền thuế nhưng vẫn phải tạo thông thoáng, sòng phẳng cho đại đa số các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Kêu chuyện thuế, đâu chỉ có từ ý kiến các cử tri được một số đại biểu Quốc hội phản ánh, mà báo chí cũng nói rất nhiều đến thuế bất hợp lý.
Phản ánh của báo chí về thuế là rất sát sườn, ý kiến của người trong cuộc rất xác đáng, các chuyên gia cũng rất nhiệt huyết đề xuất các giải pháp nhưng cơ quan quản lý cứ chần chừ. Đề xuất sửa đổi luật cứ trì hoãn từ năm này sang năm khác.
Hằng năm Quốc hội họp thường lệ hai kỳ (chưa kể kỳ họp bất thường), với rất nhiều vấn đề nóng phát sinh trên các lĩnh vực thì thời lượng cho mỗi vấn đề sẽ giới hạn và chương trình nghị sự cũng phải rất cân đo đong đếm sao cho phù hợp với kỳ họp.
Nhưng có những chuyện xã hội quan tâm, được nhắc đi nhắc lại (như thuế thu nhập cá nhân - được nhiều địa phương phản ánh và Bộ Tài chính trả lời nội dung na ná nhau) cũng nên được xem là vấn đề nóng cần bàn bạc thảo luận, để ít nhất cho thỏa nỗi niềm của cử tri.
Qua đó, đại biểu Quốc hội cũng có nội dung mà thông tin lại với cử tri. Chứ cử tri cứ phải nghe lại những văn bản trả lời của Bộ Tài chính, kiểu chưa nghe đã biết nội dung thì cũng không nên.
Thuế là vấn đề sát sườn của người dân và doanh nghiệp; đã bàn, đã nói là phải cho "đã"; đã bàn là phải có hướng ra, giải quyết được vấn đề, không thể neo sang năm, kỳ họp tới...