Theo đó, 6 doanh nghiệp Việt đầu tiên được nhận gói hỗ trợ gồm Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang, Công ty CP Vật liệu Xây dựng SECOIN, Công ty CP Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô, Công ty CP Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng, và Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam.
Cả 6 doanh nghiệp đều có thị phần lớn trong lĩnh vực kinh doanh chính với các sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Trong đó, SECOIN đã xuất khẩu sản phẩm sang 60 quốc gia trên 6 châu lục. Sản phẩm Vinasamex đã có mặt ở thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, gốm sứ Quang Vinh và công ty Việt Trang thông qua sản phẩm chất lượng cao và thủ công mỹ nghệ đã góp phần đưa đặc thù văn hóa Việt ra thế giới. Vĩnh Hưng xuất khẩu thành công sản phẩm và giải pháp công nghệ cao cho giao thông vận tải và xây dựng công nghiệp. Nhờ đó, các doanh nghiệp này đều duy trì được mức tăng trưởng tốt, có lợi nhuận trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid.
Các doanh nghiệp này đang trong quá trình chuẩn bị để được đánh giá và chuẩn đoán sức khỏe toàn diện bởi các các công ty tư vấn hàng đầu trong nước và quốc tế nhằm xác định tiềm năng và vấn đề cần khắc phục để tạo nên đà tăng trưởng mới. Dựa trên kết quả thăm khám, một chiến lược phát triển doanh nghiệp toàn diện với tầm nhìn dài hạn sẽ được xây dựng nhằm giúp doanh nghiệp có một lộ trình cụ thể chinh phục thị trường quốc tế.
Dự án và doanh nghiệp sẽ cùng xác định các các hoạt động kỹ thuật cần thiết nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển doanh nghiệp đó. Tổng thời gian hỗ trợ kỹ thuật sẽ được xác định theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, tối đa lên tới 2 năm. Phạm vi hỗ trợ bao gồm nhưng không giới hạn, gồm mở rộng thị trường, cải thiện hiệu suất và hiệu quả, chuyển đổi số, văn hóa doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo... Đồng thời, dự án cũng sẽ đồng tài trợ cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, các sự kiện xúc tiến hoặc các hoạt động liên quan tới nâng cấp trang thiết bị hoặc đạt được các chứng nhận phù hợp.
Bên cạnh đó, dự án đặt mục tiêu đưa hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp được nhận hỗ trợ trở thành các hình mẫu phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng khác của Việt Nam thông qua các hoạt động xuyên suốt của dự án.
Gói hỗ trợ kỹ thuật trị giá 150,000 USD được thiết kế "đo ni đóng giày" dành riêng theo nhu cầu, khả năng, năng lực và cam kết của từng doanh nghiệp. Gói hỗ trợ nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam tạo ra những sản phẩm mang có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt, khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm "Made by Viet Nam" trên thị trường trong nước và quốc tế.
Dự án đặt mục tiêu sẽ cung cấp gói hỗ trợ này cho 60 doanh nghiệp Việt. Như vậy, ngoài 6 doanh nghiệp đầu tiên đã nhận hỗ trợ, dự án còn 54 suất hỗ trợ đang chờ doanh nghiệp. Thời hạn đăng ký gói hỗ trợ sẽ kéo dài đến hết ngày 15/11/2022.
Để tham gia nhận gói hỗ trợ, doanh nghiệp phải đã đăng ký hoạt động theo luật Doanh nghiệp Việt Nam; có không quá 500 lao động toàn thời gian, không có bất kỳ tranh chấp pháp lý nào. Doanh nghiệp cũng cần có 2 năm tăng trưởng doanh thu liên tiếp trong giai đoạn 2017 - 2021, có lợi nhuận hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2021. Điều kiện khác là doanh nghiệp phải sở hữu thương hiệu Việt uy tín hoặc có sản phẩm, dịch vụ độc đáo có giá trị cao; sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng chiến lĩnh thị trường địa phương, khu vực hoặc quốc tế; đã xuất khẩu sản phẩm hoặc có kế hoạch chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu.
Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) là dự án hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) là chủ dự án. Dự án IPSC hướng tới loại bỏ các rào cản về chính sách, thị trường và những rào cản nội bộ cấp doanh nghiệp đang kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ.
Nhằm thúc đẩy thực thi các chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân, IPS-C hướng tới tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ. Dự án sẽ triển khai các gói hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, xây dựng chiến lược phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ mới, tiếp cận thị trường...
Mục tiêu của IPSC là thúc đẩy khu vực tư nhân Việt Nam đổi mới và năng động, mở rộng cơ hội kinh doanh trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn ra khu vực và toàn cầu. Dự án hỗ trợ xây dựng năng lực quản trị của các doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng (SGBs) thông qua đào tạo nhiều chủ đề gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật phù hợp với doanh nghiệp cũng như mở rộng mạng lưới huấn luyện và cố vấn. Những can thiệp này sẽ giúp SGBs cải thiện hoạt động, tăng trưởng doanh thu, góp phần thúc đẩy các SGBs trở thành nguồn lực bền vững cho tăng trưởng kinh tế bao trùm và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.
Một trong những trọng tâm của dự án là hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp tiên phong (PEs) tạo dựng thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, vươn ra thị trường quốc tế. IPSC tìm kiếm các doanh nghiệp khu vực tư nhân tại Việt Nam, với số lượng dưới 500 nhân viên toàn thời gian, sở hữu sản phẩm thương hiệu Việt Nam có tiềm năng cạnh tranh và trở thành doanh nghiệp dẫn dắt trong ngành, lĩnh vực để hợp tác triển khai các biện pháp can thiệp cụ thể.