Năm 2022 vừa qua, thị trường bất động sản được nhắc đến nhiều với những thông tin không mấy tích cực. Liên tiếp những vụ thanh, kiểm tra cùng với việc ách tắc nguồn vốn đã khiến niềm tin của các nhà đầu tư và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc bị ảnh hưởng. Trong khi đó, những vướng mắc pháp lý vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến không ít dự án bị tạm dừng triển khai. Song song với đó, thị trường yếu thanh khoản đã khiến nhiều chủ đầu tư tạm dừng ra hàng, thậm chí là không thể bán được hàng trong nửa cuối năm ngoái.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, số lượng bất động sản, nhà ở trong các dự án mới đưa ra giao dịch (nguồn cung) trong năm 2022 rất hạn chế, chủ yếu các sản phẩm bất động sản đưa vào giao dịch là hàng tồn kho của các dự án đã mở bán.
Trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao; các phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho và có tính thanh khoản tốt. Hiện nay, lượng tồn kho hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi và thuộc về nhà đầu tư thứ cấp.
Thống kê từ BCTC quý IV của 10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết (chủ yếu phát triển mảng nhà ở, nghỉ dưỡng) cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2022 lên tới hơn 268.700 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối tháng 6 và tăng 34% so với cuối năm 2021.
Dẫn đầu danh sách này là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) với giá trị hàng tồn kho ghi nhận gần 134.487 tỷ đồng, chiếm 52% tổng tài sản và tăng 22% so với cuối năm ngoái.
Tồn kho lớn chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển tại các dự án Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và nhận chuyển nhượng các dự án mới.
91% tổng hàng tồn kho (tương đương gần 122.559 tỷ đồng) là giá trị quỹ đất và dự án đang xây dựng, phần còn lại là bất động đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa bất động sản, bất động sản đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng.
Đứng thứ hai là CTCP Vinhomes (Mã: VHM) với gần 66.000 tỷ (tăng 130% so với cuối năm 2021), chủ yếu nằm tại các bất động sản để bán đang xây dựng (chủ yếu bao gồm tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng và phát triển) ở dự án Vinhomes Grand Park, dự án Vinhomes Smart City, dự án Vinhomes Ocean Park, dự án Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire, dự án Vinhomes Ocean Park 3 - The Crown và các dự án khác.
Thông tin từ doanh nghiệp này cho biết, với giá trị hợp đồng ký mới trong năm (doanh số) của VHM đạt mức kỷ lục 128.200 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2021. Doanh số chưa bàn giao đạt mức 107.600 tỷ đồng, tăng 105% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Tương tự, hơn 14.898 tỷ đồng tồn kho (chiếm 55% tổng tài sản) của CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) chủ yếu nằm ở các dự án bất động sản dở dang như dự án Izumi (8.300 tỷ), Southgate (hơn 3.516 tỷ), Waterpoint (hơn 1.454 tỷ), Akari (gần 410 tỷ),… Con số này giảm nhẹ so với hồi cuối năm ngoái (gần 15.490 tỷ đồng).
CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) cũng ghi nhận 14.238 tỷ đồng (chiếm 46% tổng tài sản, tăng 27% so với cuối năm 2021). Trong đó, chủ yếu là các bất động sản dở dang (gần 11.902 tỷ), bất động sản thành phẩm chỉ chiếm hơn 1.598 tỷ.
Cũng nằm trong nhóm tồn kho lớn là CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Nhà Khang Điền – Mã: KDH). Tại ngày 31/12, hàng tồn kho của doanh nghiệp này tăng gần 4.708 tỷ đồng so với đầu năm lên 12.441 tỷ đồng, toàn bộ là các bất động sản dở dang đang xây dựng. Cụ thể, dự án Khang Phúc – Khu dân cư Tân Tạo (hơn 5.316 tỷ), Khu nhà ở Đoàn Nguyên (3.258 tỷ), Bình Trưng Đông (1.078 tỷ), An Dương Vương (gần 589 tỷ),…
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) có 12.131 tỷ đồng hàng tồn kho, không biến động nhiều so với cuối năm ngoái. Trong đó, đa số là các bất động sản dở dang như The EverRich 2 (3.598 tỷ), Bình Dương Tower (2.340 tỷ), Tropicana Bến Thành Long Hải (1.994 tỷ), Phước Hải (1.519 tỷ), The EverRich 2 (877 tỷ),…
Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp có tồn kho dưới 10.000 tỷ đồng có thể kể đến như DIC Corp (5.926 tỷ), An Gia (hơn 3.723 tỷ), Hải Phát Invest (3.595 tỷ), CEO Group (1.468 tỷ),…