Kinh doanh

Apple tăng đầu tư vào Indonesia gấp 10 lần sau lệnh cấm bán iPhone

Apple Inc. đã tăng mức đầu tư đề xuất vào Indonesia lên gần gấp 10 lần, nhằm thuyết phục chính phủ nước này dỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16. Đây là động thái mới nhất của gã khổng lồ công nghệ Mỹ trong nỗ lực tiếp cận thị trường đông dân nhất Đông Nam Á, tờ Bloomberg đưa tin.

Theo các nguồn tin thân cận, Apple dự kiến đầu tư gần 100 triệu USD vào Indonesia trong vòng hai năm, tăng đáng kể so với kế hoạch ban đầu khoảng 10 triệu USD. Trước đó, khoản đầu tư này chủ yếu tập trung vào việc xây dựng nhà máy sản xuất phụ kiện và linh kiện tại Bandung, một thành phố nằm phía đông nam Jakarta.

Sau khi Apple gửi đề xuất đầu tư mới, Bộ Công nghiệp Indonesia yêu cầu công ty tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các dòng điện thoại thông minh ngay tại nước này. Tuy nhiên, đến nay, bộ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về đề xuất mới.

Trước đó, chính quyền Indonesia đã cấm bán iPhone 16 với lý do Apple không đáp ứng quy định 40% tỷ lệ nội địa hóa dành cho các sản phẩm smartphone và tablet.

Theo báo cáo, Apple đã đầu tư khoảng 1.500 tỷ rupiah (tương đương 95 triệu USD) vào Indonesia thông qua các học viện đào tạo nhà phát triển, nhưng con số này vẫn thấp hơn mức cam kết 1.700 tỷ rupiah. Bên cạnh Apple, Alphabet Inc., công ty mẹ của Google, cũng đối mặt với lệnh cấm bán dòng điện thoại Google Pixel tại Indonesia vì lý do tương tự.

Động thái mạnh tay từ phía Indonesia là ví dụ điển hình cho chiến lược gây sức ép của chính phủ mới dưới thời Tổng thống Prabowo Subianto, nhằm buộc các tập đoàn quốc tế tăng cường sản xuất nội địa và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước.

Chính sách này không phải là mới tại Indonesia. Dưới thời cựu Tổng thống Joko Widodo, chính phủ nước này đã chặn hoạt động của TikTok nhằm bảo vệ ngành bán lẻ nội địa trước sự cạnh tranh từ hàng hóa giá rẻ Trung Quốc. Điều này đã khiến ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phải đầu tư 1,5 tỷ USD vào một liên doanh với Tokopedia, đơn vị thuộc tập đoàn thương mại điện tử GoTo.

Việc tăng cường đầu tư là cách Apple nhằm tiếp cận thị trường Indonesia với hơn 278 triệu người tiêu dùng, trong đó hơn một nửa là người trẻ, thành thạo công nghệ. Tuy nhiên, cách tiếp cận cứng rắn của chính phủ Indonesia cũng có thể làm nản lòng các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là những công ty đang tìm cách giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ khoản đầu tư mới của Apple sẽ tập trung vào những đối tác nào.

Trong các thương vụ trước đây, Apple thường hợp tác với các đối tác lắp ráp hoặc cung ứng linh kiện như Foxconn để sản xuất các bộ phận quan trọng cho iPhone và iPad.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm